Tôi là người không quan tâm nhiều đến bóng đá, rảnh thì xem không rảnh thì thôi, nhưng hôm trước, đúng lúc mở TV lên thì có phần bình luận sau trận đấu Việt Nam - Indonesia trên kênh VTV6, trong đó bình luận viên Quốc Khánh đã có một lời nói, mà theo tôi là không thể chấp nhận được, đó là giả vờ gọi điện cho thủ môn Văn Lâm "hãy sang ngay Manila, bên đó đang rất cần người", chủ ý "dìm" thủ môn Bùi Tiến Dũng - chắc là vì bạn ấy đã để lọt lưới một bàn trong trận đấu tối qua (tôi đã không xem).
Một sự so sánh vô duyên chưa từng có!
Chắc là không có kịch bản trước, nhưng lời nói - việc làm không-thể-chấp-nhận được của BLV Quốc Khánh trên sóng truyền hình quốc gia, một cách vô thức để bộc lộ một nét tính cách xấu xí của không ít người Việt: Tung hô khi bạn chiến chiến thắng, nhưng cũng chính họ sẽ dìm bạn chết nếu như một lúc nào đó bạn gặp thất bại.
Những người lớn tiếng nhất chửi rủa Bùi Tiến Dũng sau trận cầu đó, tôi tin, chắc cũng chính là những người đã hò reo, tung hô anh sau "huyền thoại tuyết trắng Thường Châu" của đội tuyển U23 năm ngoái. Nào là chàng trai vàng, nào là đủ các mỹ từ đẹp đẽ nhất; nhưng chỉ một giây thôi, họ đã quên, quên sạch, quên hết, và quên luôn đạo đức tối thiểu cần phải có của một người hâm mộ chân chính: Đừng bội bạc.
Bóng đá là một môn thể thao đỉnh cao, dù có là những huyền thoại thế giới thì cũng không thể trọn đời bất bại.
Cuộc sống cũng như vậy, chẳng ai đứng mãi được trên đỉnh vinh quang. Ai dám nói là cả đời tôi sẽ toàn thành công? Các cầu thủ họ sẽ chỉ có thể cống hiến hết mình nếu như họ biết được đằng sau họ là sự ủng hộ nhiệt thành của những người hâm mộ. Ủng hộ khi thành công, và sẻ chia cả khi thất bại.
Nếu không là lý do vi phạm đạo đức, không là bán độ - bán danh dự quốc gia, không tự sút vào lưới nhà, thì ai cho bạn cái quyền cười cợt, lấy nỗi buồn của một cá nhân cầu thủ ra làm trò đùa trên sóng truyền hình trước hàng triệu người xem.
(Nguồn ảnh: Internet)
Rất nhiều năm đi học ngay cạnh một sân vận động của một đội bóng lớn của giải ngoại hạng Anh, tôi chẳng biết tên một cầu thủ nào hết; nhưng tôi ngưỡng mộ tinh thần thể thao cao thượng của những cổ động viên. Họ nhảy múa hát ca hò reo khi đội nhà chiến thắng; nhưng khi thua, không một lời trách móc, chửi rủa hay đổ lỗi, họ nắm tay nhau lặng lẽ đi về, nhiều khi là trong nước mắt.
Họ yêu và cháy hết mình vì tình yêu bóng đá, và trung thành trong tình yêu với đội tuyển mà họ đã lựa chọn.
Bùi Tiến Dũng, còn rất trẻ, điều không may lớn nhất của Dũng là tiếp xúc với hào quang của thành công khi còn quá sớm để hiểu rằng truyền thông và một bộ phận không nhỏ cái gọi là "người hâm mộ" ở nước ta là như vậy đấy, lá mặt lá trái và nhanh quên.
Nhiều khi ở thẳm sâu trong nỗi đau buồn của sự thất bại nhất thời, người ta không cảm thấy tổn thương bằng sự quay lưng lạnh lùng của những người đã từng hò reo, và bằng mọi cách ăn theo vinh quang của người chiến thắng. Tôi luôn trân trọng tài năng của em và biết ơn em vì những gì em đã cống hiến cho đất nước và người hâm mộ.
Chúng ta muốn có một đội tuyển đẳng cấp khu vực và quốc tế, thì trước hết chúng ta phải là những người hâm mộ có một đẳng cấp đạo đức. Hãy sang lên trong cách thưởng thức thể thao, nói lời hay suy nghĩ đúng!
Nguồn: Cafebiz.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC