Bố mẹ đi rồi
Cái bóng dáng liêu xiêu trên đường làng ấy chính là cậu bé 5 tuổi Quang Gia Huy, còn một em gái nhỏ 3 tuổi có cái tên rất đẹp Quang Khánh Linh. Hai đứa trẻ bụ bẫm, dễ thương và có đôi mắt thật sáng ấy đang sống cùng với ông bà ngoại tại một làng quê nghèo thuộc xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Căn nhà lụp xụp của ông bà ngoại của hai bé Huy, Linh.
Đã từ ba năm nay, hai anh em Huy, Linh không được ở gần cha mẹ. Khi Huy mới được tròn hai tuổi, và lúc ấy em Linh cũng mới cất tiếng khóc chào đời, cha của hai bé, anh Quang Văn Huân (29 tuổi) đã rời nhà đi. Không ai biết cha đã đi đâu và đang làm gì. Thời gian đầu, cha còn gọi điện thoại về hỏi han. Nhưng, những cuộc điện thoại cũng thưa dần, rồi mất hẳn.
Một năm sau đó, khi bé Linh vừa tròn 1 tuổi, mẹ của hai em, chị Nguyễn Thị Thơ (26 tuổi) cũng lại lặng lẽ mà đi, để hai đứa trẻ thơ cho ông bà ngoại chăm sóc. Thương cháu, buồn con nhưng ông bà vẫn cố gắng để các cháu có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, cả gia đình chỉ trông vào hai sào ruộng, ông ngoại của hai bé lúc ấy cũng lại đổ bệnh hen xuyễn nặng hơn, nên gánh lo toan đặt cả trên đôi vai bé nhỏ của bà.
Anh em con ở với ông bà, rồi thương nhau mà sống
Còn rất bé, nhưng dường như Huy và em gái đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Cả hai đứa trẻ đều hay ăn, hay ngủ, cũng không đòi hỏi gì. Ông bà ăn gì, hai bé ăn nấy. Dù có là cơm chan nước mắm, hay củ khoai, củ mỳ thì bé Huy và cả bé Linh cũng ăn ngon lành. Và chúng cứ lớn lên tự nhiên như thế, như để bớt cho ông bà một phần lo lắng, một phần xót xa.
Hai đứa trẻ được ông bà rộng lòng cưu mang, nuôi nấng.
Không còn cha mẹ ở bên, bên cạnh nét hồn nhiên của một đứa trẻ, một phần tâm hồn của bé Huy dường như đã thành “người lớn”. Cậu bé thấu hiểu được những khó khăn của gia đình. Từ một năm nay, Huy theo bà đi khắp cuối làng, đầu ngõ để thu lượm ve chai, bán lấy tiền, không một chút nề hà. Khi được hỏi, vì sao cậu bé chăm chỉ vậy, em trả lời hồn nhiên: “Em đi nhặt ve chai, về đổi cá, đong gạo cho cả nhà”. Mới 5 tuổi, nhưng phần lớn thời gian của bé là lang thang trên những con đường, lượm lặt, chắt chiu, chứ không được đến trường.
Bà con làng xóm ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của hai đứa trẻ dễ thương mà tội nghiệp. Khi con cái ở độ tuổi cần được chăm sóc nâng niu nhất, thì cha mẹ hai đứa đều biệt tăm, không điện thoại, không thư từ gì. Con trẻ, chúng cần cái ăn một phần thôi, nhưng cần nhất vẫn là tình thương. Thấu hiểu, nên bà con ai có gì ngon đều nhớ phần lại một chút cho hai đứa, có cái ve chai, phế liệu nào cũng để dành cho thằng bé Huy. Cũng là với cùng suy nghĩ ấy, vật chất chỉ là một phần thôi, để hai đứa trẻ thấy chúng được quan tâm, chúng được yêu thương mới là quan trọng nhất.
Chúng cứ tự lớn lên như thế, để bớt một phần lo lắng, xót xa cho ông bà.
Thế nên suốt dọc đường làng, chốc chốc, Huy lại được cô bác gọi vào, tặng cho ít đồ đem bán, hay đôi khi là bộ quần áo cũ, hay chút đồ ăn như một bắp ngô luộc. Thương hai đứa nhỏ lắm, nhưng mọi người cũng không thể giúp được nhiều hơn.
Cầm bắp ngô nóng hổi trên tay, cu Huy không ăn mà cất vào một cái túi bóng nhỏ. Mọi người thấy lạ, khuyên bé ăn đi, nhưng cu cậu chỉ cười: “Cháu mang về cho cái Linh, từ chiều đến giờ chưa có gì ăn, nhìn thấy ngô luộc chắc con bé thích lắm”. Đúng như “tiên đoán” của anh Huy, khi nhìn thấy bắp ngô còn nóng hổi, cô bé Linh bỏ cả bát cơm đang ăn dở, chạy tới đón lấy bắp ngô từ tay anh mà ăn ngon lành, như thể đây là món ngon nhất trên đời mà cô bé được ăn lần đầu.
Hai anh em thương nhau lắm, có gì ngon cũng để cho nhau.
Hai đứa trẻ nghèo ấy yêu thương nhau lắm, có gì ngon cũng dành cho nhau. Bởi ngoài tình thương pha nhiều xót xa của ông bà ngoại và các cô bác hàng xóm, hai đứa trẻ cũng chỉ còn biết thương nhau, trông nhau như vậy mà lớn lên.
Bố mẹ ơi mau về thôi, ông bà cũng cần nghỉ ngơi rồi. Tụi con sẽ ngoan, nhà mình rau cháo nuôi nhau cũng được mà
Thiếu cái ăn là điều ông bà ngoại có thể gắng gượng mà bù đắp cho hai đứa trẻ. Nhưng tương lai của chúng không thể được xây dựng chỉ bằng những bát cơm chan nước mắm của ông bà, càng không thể bằng những bắp ngô tình thương của xóm làng. Nhìn thấy hai đứa cháu mà ông Hường, bà Xoan (tên của ông bà ngoại Huy, Linh) không thể thôi thầm trách, thôi xót xa.
Khuôn mặt bé Linh bầu bĩnh nhưng thiếu nụ cười. Gặp phụ nữ là con bé lại cho bế, rồi gọi: “Mẹ ơi”…
Bây giờ, nhờ sự quan tâm của làng xóm, Huy đã được đến trường như bao bè bạn cùng trang lứa, không còn rong ruổi dưới cái nắng gay gắt của xứ Nghệ để kiếm cái vỏ lon, cái bình nhựa rỗng đem về.
Nhưng khi nhìn thấy cảnh con cháu nhà người khác có cha, có mẹ chăm sóc, bà Xoan vẫn quặn lòng vì thương hai cháu của mình. Tâm nguyện lớn nhất của bà bấy lâu vẫn chính là con gái, con rể hãy mau quay trở về, để cưu mang, để chăm sóc cho hai đứa trẻ ngoan ngoãn, lương thiện này.
“Tôi chỉ cầu mong bố mẹ chúng ở đâu thì nghĩ tình máu mủ mà về cưu mang lấy hai đứa con. Nhìn chúng tương lai mù mịt, sống lay lắt thế này xót xa lắm. Vợ chồng tôi già yếu cả rồi, như ngọn đèn trước gió, tắt lúc nào không hay…”.
Bà con chòm xóm đến đông lắm, như để góp tiếng gọi bố mẹ hai đứa trẻ trở về.
Ngày biết được có phóng viên các báo về chụp ảnh, đưa tin về hai đứa nhỏ, bà con trong xóm kéo đến đông lắm. Bà con đến không phải vì hiếu kì, mà như để góp thêm một tiếng gọi bố mẹ hai đứa nhỏ trở về. Nhiều người không cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc sống của hai đứa, nhất là khi nhớ đến những lần cái Linh cứ nhìn thấy ai cũng đều cho bế, cứ gặp người nào là phụ nữ cũng đều gọi: “Mẹ ơi”…
Anh Huân, chị Thơ, nếu anh chị có đọc được những dòng này, nhìn thấy được hình ảnh hai đứa trẻ dễ thương lại ngoan ngoãn như vậy, cũng là biết được nỗi lòng của cha mẹ mình, thì xin hãy nghĩ lại và quay trở về. Ai cũng có những nỗi đau của riêng mình, nhưng anh chị có hai đứa trẻ tuyệt vời đang chờ đợi. Khi trở về chỉ cần chăm chỉ làm ăn, rau cháo nuôi nhau, nhất định sẽ còn nhiều cơ hội mở ra với cả gia đình.
Hải Lam
(Nguồn ảnh: Tri thức trẻ)
© 2024 | Thời báo ĐỨC