Vụ 39 tử thi được tìm thấy trong thùng đông lạnh một chiếc xe tải ở hạt Essex, Anh Quốc gần đây đem câu hỏi "Người nhập cư lậu vào Anh làm nghề gì?" trên các báo Anh.
Trang The Guardian hôm 25/10/2019 có bài cho rằng người Việt đi lậu vào Anh "thành nô lệ ở các tiệm móng tay và trại cần sa".
Theo tìm hiểu của BBC News Tiếng Việt, không chỉ có người Việt trồng cần sa ở Anh và châu Âu.
Thị trường hàng tỷ đô la một năm này cũng là miếng bánh ngon cho người bản xứ và các nhóm nhập cư khác.
Chưa kể, một số tài liệu EU nói người Việt chỉ đóng được vai trò trông công đoạn trồng, tưới, vận chuyển, mà không phải là đầu mối tiêu thụ cần sa.
Việc tiêu thụ, đưa cần sa tới khách thường do các băng đảng khác kiểm soát.
Anh và Hà Lan nổi bật lên như hai nước 'có thị trường cần sa lớn', nơi nghề trồng cần sa 'tại gia', ngoài trời và trong nhà kính từ Bắc Mỹ du nhập sang.
Thủ đô 'trồng cần sa' của châu Âu?
Số liệu của cảnh sát Anh Quốc cho hay từ tháng 1/2016 tới tháng 4/2018, chỉ riêng tại London, nhà chức trách phát hiện ra 314 'trại cần sa' (cannabis farms).
Tính trung bình cứ hai ngày cảnh sát Anh tìm ra một căn nhà trồng cần sa, theo báo Evening Standard.
Tới trước 2010, Anh Quốc phải nhập 50% cần sa, nhưng từ năm đó trở đi, Anh trở thành thị trường xuất khẩu cả marijuana và cannabis.
Trồng cần sa là một nghề phi pháp có lãi lớn.
Trị giá của 250 nghìn cây cần sa ngoài chợ đen có thể lên tới 60 triệu bảng Anh, theo số liệu của National Police Chief's Council hồi 2015.
Quá trình 'tăng trưởng' về ma tuý này gắn liền với các băng đảng Việt, theo một bộ phim về chống nô lệ hiện đại và buôn trẻ em vào các trại cần sa ở Anh:
"Sự chuyển biến từ nhập khẩu sang xuất khẩu xảy ra một phần là vì các băng đảng Việt có tổ chức, dùng căn hộ gia đình làm 'nhà máy cần sa'..."
Bên trong nơi ở của nhóm đàn ông Việt trồng cần sa ở Wiltshire, Anh Quốc, bị cảnh sát bắt hồi tháng 2/2017
"Từ 2000 đến 2014, số trại cần sa ở Anh tăng 150%, theo cảnh sát. Trong tất cả các nạn nhân buôn người buộc phải làm trong các trại cần sa, 96% đến từ Việt Nam và 81% là trẻ em."
Dù hiện có nghi vấn rằng một số người tham gia trồng cần sa luôn nhận là 'vị thành niên' để tránh bị truy tố, nhờ luật bảo vệ quyền trẻ em tại Anh, hoạt động trồng cần sa của các băng đảng Việt là khá phổ biến và ngày càng táo tợn.
Ngoài việc đục phá nhà cửa thuê của chủ để biến căn hộ thành trại cần sa, các băng đảng đôi khi còn giả ngây giả ngô hoặc lợi dụng lỗ hổng pháp luật để chạy tội.
Báo Anh viết hồi 2015, hai người Việt Nam (Chien Nguyen và Hien Nguyen) bị bắt trong một trại cần sa trị giá 100 nghìn bảng Anh trong 11 căn phòng ở nhà bốn tầng tại Leeds, West Yorkshire.
Cả hai khai trước tòa họ nghĩ họ trồng 'một loại rau Phương Tây' (Western vegetables) chứ không biết đó là thứ phi pháp.
Từ Hà Lan chuyển lên Bắc Âu
Cảnh sát EU đánh giá rằng nay nghề trồng cần sa đã lan ra khắp châu Âu, có cả ở Pháp, Bỉ, Na Uy, Czech, Đức, Ba Lan...
Nhưng tại Hà Lan vấn đề diễn biến phức tạp nhất.
Nghiên cứu của Yvette Schoenmakers, Bo Bremmers và Anton van Wijk chỉ ra liên hệ của các băng đảng Việt ở Hà Lan và nghề trồng cần sa.
Theo đó, có liên hệ rõ rệt giữ buôn người, rửa tiền, buôn lậu hàng hóa, làm giấy tờ giả và các trại cần sa mà người Việt tổ chức.
Cũng vẫn các băng đảng này đã và đang buôn lậu thuốc lá tại Đức, còn tại Đông Âu, chúng chuyên rửa tiền, buôn người và chuyển ma tuý, theo các tác giả.
"Công nghệ trồng và kỹ thuật trồng cần sa được nhập về từ Canada chuyển giao sang Hà Lan và Anh.
"Từ Hà Lan, một phần lớn tiền được gửi về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng bình thường, như chuyển tiền hợp pháp, qua các gửi người mang (money couriers) và qua ngả chuyển ngầm dù ít hơn... Các cửa hàng nail đang mọc lên nhiều ở châu Âu cũng có dính líu đến rửa tiền phi pháp..."
"Có quan hệ giữa các nghi phạm người Việt ở Hà Lan với các nước khác, nhất là ở Đức và Czech, theo hồ sơ cảnh sát."
"Nguồn cần sa thu hoạch được đã biến sang Ý, Anh và Thụy Điển, và có sự tồn tại của các kênh quốc tế đem tiền về rửa, chuyển về Việt Nam hoặc các nơi khác."
"Có người Việt Nam và cả người Hà Lan tham gia các đường dây này, và người Hà Lan gốc Việt (Dutch Vietnamese) thường đóng vai trò trung gian."
Được biết từ Hà Lan, công nghệ trồng cần sa đi lên Bắc Âu.
Cần sa dạng lá phổ biến ở châu Âu từ khi nào?
Cần sa sấy khô
Cần sa dạng lá (herbal cannabis) bắt đầu phổ biến trong thập niên 1990, ban đầu ở một số giới tại Anh Quốc và Hà Lan.
Theo cơ quan phòng chống ma tuý châu Âu (The European Monitoring Centre for Drugs and Drug Addiction - EMCDDA) thì việc trồng cần sa ngoài trời bắt đầu phát triển ở Hoa Kỳ và Canada, rồi sang Anh Quốc và châu Âu lục địa.
Thị trường người châu Âu thường xuyên hoặc thỉnh thoảng dùng cần sa ước tính lên tới trên 22 triệu người, tính đến 2012, và nay có thể cao hơn.
Quy trình trồng cần sa để cung cấp cho các tiệm thuốc (kinh doanh hợp pháp, có kiểm soát) và lập 'trại trồng cỏ' bất hợp pháp tuy thế không khác nhau về kỹ thuật.
Vẫn tài liệu của EMCDDA mô tả quá trình trồng cần sa trong nhà kính hoặc trong vườn khép kín là cách duy trì vòng sinh trưởng, nở hoa tối ưu cho cây này.
- Trồng trong môi trường kín để tưới cây đều, điều chỉnh không khí
- Dựng đèn có ánh sáng nhân tạo 24/7
- Tạo vòng sinh trưởng từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch là 3 tuần
- Tuỳ vào loại hạt, người ta có thể rút ngắn thời gian chiếu sáng xuống 18 giờ/ngày, nhưng phải chờ thu hoạch sau 7-9 tuần.
Chất lượng dầu cần sa tùy thuộc vào nồng độ THC (Tetrahydrocannabinol, chất tạo ảo giác thần kinh) trong lá khi thu hoạch và quá trình sấy khô.
Hạt cannabis lớn không cần đất nhưng kỹ thuật dùng bồn hoặc túi treo ngâm nước này hơi khó nên các băng đảng chủ yếu dùng máng có đất, dễ hơn.
Các bao đất mùn mua từ trung tâm thực vật vì thế cũng là dấu hiệu và bằng chứng để cảnh sát điều tra ra hoạt động trồng cần sa phi pháp.
Trừng phạt băng đảng cần sa và mọi người liên đới
Các băng nhóm trồng cần sa khi bị bắt thường đối mặt với một loạt tội hình sự:
- Sản xuất, vận chuyển ma tuý
- Khai thác lao động bất hợp pháp
- Phá hoại nhà cửa
- Ăn cắp điện nước
Ngoài ra, người cho thuê nhà để xảy ra việc trồng cần sa trong căn hộ cũng có thể bị liên lụy.
Cảnh sát Pháp trong một vụ bố ráp hồi 7/2011 đã thu được 54 kg hạt cần sa cùng nhiều loại ma túy, chất gây nghiện khác
Các hội địa ốc Anh đã khuyến cáo như sau:
"Chủ nhà có thể bị ra tòa, nhận án tù và thậm chí bị tịch thu căn nhà nếu người thuê trồng cần sa phi pháp bên trong".
Luật Misuse of Drugs Act 1971 trong Điều 8 ghi rõ người chịu trách nhiệm quả lý căn hộ có thể nhận 14 năm tù hoặc tiền phạt.
Tất nhiên, chủ nhà phải biết về hoạt động trồng cần sa trong nhà của mình thì mới bị tù.
Tuy thế, kể cả khi chủ nhà không biết gì hết, người đó vẫn bị điều tra..."
Vụ 39 tử thi được tìm thấy trong thùng đông lạnh một chiếc xe tải ở hạt Essex, Anh Quốc gần đây đem câu hỏi "Người nhập cư lậu vào Anh làm nghề gì?" trên các báo Anh.
Luật Anh và các nước châu Âu ghi rất rõ ràng về trách nhiệm của chủ nhà là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cho thuê nhà.
Chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm hành chính và dân sự nếu người thuê gây ra vấn đề cho chính quyền địa phương và hàng xóm.
Các băng đảng cần sa thường đục tung các tường ngăn, khi khoan sang cả nhà hàng xóm, hút điện từ công-tơ láng giềng chạy đèn trong 'trại cần sa'.
Kể cả khi chủ nhà "không biết gì" và băng đảng đã bị bắt thì họ vẫn có thể bị công ty điện nước, hội đồng địa phương và láng giềng kiện để đòi bồi thường.
Trong không ít trường hợp, sự quen biết, trợ giúp giấy tờ với nhóm trồng cần sa sẽ tạo bằng chứng cho cảnh sát và sở thuế điều tra chủ nhà và truy ra các tội khác.
Vẫn theo theo nghiên cứu tại Hà Lan của Yvette Schoenmakers, Bo Bremmers và Anton van Wijk, người Việt "không nằm trong nhóm tội phạm truyền thống".
Nhưng hoạt động trong ngành trồng cần sa đã đưa con số không nhỏ người Việt và gốc Việt vào "công nghệ tội ác" đang lan ra khắp châu Âu.
EMCDDA cho hay các hiệp định quốc tế với toàn bộ 27 nước EU tham gia đã đề cao việc chống trồng và buôn bán cần sa.
Việc hợp thức hóa cần sa giải trí chỉ được triển khai ở một số nơi như Canada, Hà Lan.
Vận động ngoài Quốc hội Anh ở London trong ngày nghị sĩ Paul Flynn kiến nghị luật hợp pháp hóa cần sa cho mục tiêu y tế (Legalisation of Cannabis - Medicinal Purposes - Bill, tháng 7/2018
Anh Quốc hồi 2018 đã chấp nhận cho bệnh nhân xin đơn từ bác sĩ để mua cần sa y tế (medical cannabis).
Cần sa cũng được chuyển từ hạng từ Schedule 1 xuống Schedule 2 cho sử dụng trong y học.
Nhưng Bộ Nội vụ Anh bác bỏ khả năng "hợp pháp hóa cần sa giải trí" trong thời gian tới,
Vì thế, chừng nào còn thị trường cần sa lậu thì nhu cầu trồng và hoạt động tội phạm của băng đảng, gồm cả người Việt vẫn còn đó.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC