Nền kinh tế Nga đang tiến gần đến 'điểm kiệt sức'

Theo phân tích mới, chi phí cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang khiến nền kinh tế Nga có nguy cơ "kiệt sức". Đánh giá được Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đưa ra sau quyết định tăng lãi suất chủ chốt lên 21% của Ngân hàng Trung ương Nga, mức cao nhất trong lịch sử hiện đại của nước này.

"Nền kinh tế và nỗ lực duy trì chiến sự của Nga đang phải chịu sức ép ngày càng lớn", ISW cho biết trong bản cập nhật vào cuối tuần qua, lưu ý rằng điều này sẽ "đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng" đối với khả năng duy trì chiến sự lâu dài của nước này.

1 Nen Kinh Te Nga Dang Tien Gan Den Diem Kiet Suc

Lãi suất chủ chốt của Nga hiện cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức khẩn cấp 20% sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022 và lập tức hứng loạt đòn trừng phạt và cô lập kinh tế từ phương Tây.

Ông Vasily Astrov, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, phát biểu với Newsweek: "Vấn đề chính là điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên các khoản đầu tư của khu vực tư nhân, vốn đã bắt đầu suy yếu vì chi phí đi vay hiện được cho là đã vượt quá lợi nhuận ở nhiều lĩnh vực " .

"Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina phản biện rằng điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư bằng lợi nhuận thay vì vay tín dụng, và đây là cách thức nên làm", ông cho biết.

"Tôi không bị thuyết phục bởi lập luận này và tôi không chắc rằng đây có phải là chiến lược khôn ngoan của ngân hàng trung ương khi chống lạm phát bằng mọi giá, đặc biệt là khi lạm phát ngày càng bị chi phối bởi các yếu tố về phía cung”, ông Astrov nhấn mạnh thêm.

Bất chấp dự đoán trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3,6% trong năm nay, quỹ này dự kiến ​​nền kinh tế Nga sẽ giảm tốc đột ngột vào năm tới.

Mức GDP này đạt được trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa từng có đã được hỗ trợ nhờ vào hoạt động thương mại gia tăng với các "quốc gia thân thiện", đặc biệt là với dầu do "hạm đội bóng tối" của Nga cung cấp. Tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự kỷ lục.

Ông Sergey Chemezov, giám đốc điều hành của Rostec thuộc sở hữu nhà nước, nơi sản xuất phần lớn vũ khí và thiết bị quân sự của Nga, cho biết hầu hết các công ty có thể phá sản với lãi suất cao.

"Các doanh nghiệp đơn giản là không có lợi nhuận khi sử dụng vốn vay", ông Chemezov nhận định.

ISW cho biết chi phí tài trợ cho cuộc chiến sẽ tăng lên khi Moscow tiếp tục chi tiêu nhân lực và trang thiết bị. "Các nguồn lực của Nga là hữu hạn và nước này không thể tính đến những chi phí này vô thời hạn. Nền kinh tế của Nga sẽ đạt đến điểm kiệt sức”, báo cáo nêu rõ.

Thị trường lao động ở Nga đã trở thành thị trường tìm người lao động. Xu hướng này thể hiện rõ khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục ở mức 2,9% và đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Nguy cơ thiếu hụt nhân sự đã được cảnh báo nhiều lần ở Nga và đây đang được xem là vấn đề chính làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga, không phải là các lệnh trừng phạt.

Nhóm nghiên cứu tại Washington, DC cho biết thêm rằng điều đó có thể buộc tổng thống Nga phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách phân bổ nguồn lực cho cuộc chiến.

Ông Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com, cho biết Ngân hàng Trung ương Nga lo ngại về các yếu tố lạm phát như lệnh trừng phạt mở rộng đối với các sản phẩm nhập khẩu và chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ.

"Những biện pháp này nhằm mục đích hỗ trợ đồng rúp đang suy yếu. Tuy nhiên, quyết định này khó có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga, vốn đang nợ khoảng 15% GDP, mức thấp kỷ lục so với các nước phương Tây", ông Drozdz nhận định.

Ngân hàng Trung ương Nga vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa, khi hãng tin độc lập The Bell đưa tin lãi suất có thể lên tới 23% tại cuộc họp vào tháng 12, khiến các doanh nghiệp đang gánh nợ khó có thể tái cấp vốn cho các khoản vay của mình khi bước sang năm 2025.

Đồng thời, chính phủ Nga đang tăng chi tiêu, chẳng hạn như thông qua trợ cấp cho các khoản vay kinh doanh, điều này đang thúc đẩy lạm phát ở mức 8,5% vào năm 2024, cao hơn mức dự báo trước đó là 6,5%.

"Ngân hàng Trung ương, chịu trách nhiệm về lạm phát, cần phải tăng lãi suất để làm chậm tốc độ tăng giá. Nhưng chi tiêu của chính phủ đang khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn", The Bell nhận định.

Tuy nhiên, ông Astrov cho biết mức lạm phát hiện tại "không phải là thảm kịch" và có nhiều ví dụ về các quốc gia phát triển kinh tế thành công trong thời gian dài nhưng vẫn duy trì lạm phát ở mức tương tự.

Ông nói thêm: "Việc kìm hãm nó bằng các biện pháp chính sách tiền tệ hà khắc chỉ dẫn đến đình trệ các khoản đầu tư tư nhân, do đó làm trầm trọng thêm vấn đề tắc nghẽn nguồn cung trong tương lai".

Các chuyên gia cho rằng, khi đối mặt với lãi suất cao, nhiều công ty sẽ sớm buộc phải ngừng đầu tư vào việc mở rộng của riêng họ. Thay vào đó, họ sẽ phải chi số tiền đó để duy trì các cơ sở sản xuất và đáp ứng kỳ vọng về mức lương của người lao động.

Các doanh nghiệp nợ nần không đủ may mắn để được nhà nước trợ cấp các khoản vay và do đó nhạy cảm với lãi suất cao, có thể không thể tái cấp vốn cho các khoản vay của mình và sau đó có thể phải đối mặt với tình trạng phá sản.

Theo News Week/ Vietnam Finance


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày