Có muôn vàn lý do để người Việt sang Đức sinh sống, nhiều người đến Đức vì có cơ sở nhưng cũng có những người ra đi liều mình chỉ vì nghe nói nước Đức sung sướng có tự do và an sinh xã hội tốt, thậm chí có người bạn bè rủ thì đi cho vui. Nhiều người không lường được những khó khăn họ phải đối mặt ở miền đất hứa khiến họ lâm vào tình cảnh “sống không nổi, bỏ về cũng không xong”.
Mong muốn thay đổi cuộc sống, kiếm được một khoản tiền, nhiều gia đình ở Việt Nam đi vay mượn rất nhiều nơi thậm chí cầm cố nhà cửa „ôm mộng“ sang Đức.
Giấy tờ không có, tiếng Đức thì không biết, để kiếm được tiền, rất nhiều lao động Việt Nam bất chấp cuộc sống chật vật, thiếu thốn ở nơi “đất khách” thậm chí làm những nghề mình không muốn như ăn cắp, bán dâm…và đối mặt với nhiều lo sợ.
Lỗi sợ lớn nhất đối với những người này là bị bắt và trục xuất về nước nên họ không nhập trại tị nạn, họ len lỏi trong mọi nơi có người Việt sinh sống để xin việc làm và kiếm tiền. Tuy nhiên cơ hội xin việc đối với họ rất ít vì thực tế chủ thuê không dám thuê vì sợ nhà chức trách kiểm tra. Nếu có được công việc thì nỗi lo bị đồng hương chèn ép lợi dụng luôn thường trực như làm không được trả lương mà chẳng biết kêu ai. Ngoài ra, khi ốm đau không dám đi khám bệnh, có những người ốm nặng quá sợ chết mới „liều mình“ đến bệnh viện.
Để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp nước Đức ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn. Năm ngoái, khi công an Berlin kiểm tra một căn hộ ở tầng năm, 4 người Việt không giấy tờ đã chạy ra ban công định leo xuống tầng bốn trốn. Trong cơn hoảng loạn, hai trong số bốn người bị rơi xuống đất, một người chết tại chỗ, một người đưa vào viện mới mất. Đây chỉ là một trường hợp phải bỏ cả mạng sống của mình vì tình trạng không có giấy tờ.
Để có bộ giấy tờ định cư ở Đức, đàn ông cưới giả hoặc nhận con để ăn theo con còn phụ nữ tìm cách mang thai với người có giấy tờ, sau đấy thì làm giấy tờ mẹ theo con. Đây là một kẽ hở pháp luật nhằm lạm dụng quyền đoàn tụ gia đình để được phép lưu trú hợp pháp lâu dài. Tuy nhiên, Đức lấp kẻ hở luật quản lý “nhận con giả” thông qua 2 điều luật §1597a Bộ luật Dân sự BGB và §85a Luật cư trú liên quan đến thủ tục “nhận con”.
Mai Anh
© 2024 | Thời báo ĐỨC