Sản xuất, lắp ráp xe hơi tại một nhà máy của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải - Ảnh: LÊ TRUNG
Nội dung được đưa ra trong Báo cáo của Bộ Công thương gửi Quốc hội Về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương.
Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm.
Tuy nhiên, nếu như xe tải đạt tỉ lệ hoá khoảng 50% và đáp ứng 70% nhu cầu; xe khách đạt tỉ lệ nội địa hoá là 45% và đáp ứng 90% nhu cầu, thì xe dưới 9 chỗ đạt tỉ lệ nội địa hoá thấp, bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.
Ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Nguyên nhân được cho là do quy mô thị trường còn quá nhỏ, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng lực công nghiệp chưa phát triển cũng như các loại thuế phí vẫn chưa hợp lý...
Mặc dù đánh giá thị trường xe hơi có nhiều cơ hội, khi tăng trưởng ổn định 20 - 30%/năm), và dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
Xe hơi nhập khẩu từ ASEAN như Thái Lan hay Indonesia đã có mức thuế 0%, và trong vòng 7-10 năm tới, thuế nhập khẩu từ các thị trường có hiệp định CPTPP và EVFTA cũng sẽ về 0%, đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước.
Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Bộ Công thương cho rằng Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 - 2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60-70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35-40%, đến năm 2021-2025 đạt 40-45%.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC