Phí đỗ xe: chi hơn 4.000 đồng mới thu được 1.000 đồng

Sau hơn một năm TP.HCM thí điểm sử dụng lòng đường để thu phí đỗ xe công nghệ (My Parking), nay đã có hơn 60.000 lượt người tải ứng dụng.

Con số này chỉ chiếm khoảng 10% so với lượng xe hiện có tại thành phố.

132 1 Phi Do Xe Chi Hon 4000 Dong  Moi Thu Duoc 1000 Dong

Nhân viên thu phí thu tiền “tươi” tài xế đậu xe trên đường Tản Đà (Q.5) - Ảnh cắt từ video

Tuy nhiên, 23 tuyến đường được đỗ xe lòng đường với khoảng 1.000 vị trí mà có tháng chỉ thu được 184 triệu đồng.

Liên tục thất thu

Theo Tập đoàn Viettel (đơn vị cung cấp phần mềm My Parking), giải pháp thu phí đỗ xe bằng ứng dụng thông minh đang triển khai sẽ làm giảm ùn tắc khu vực nội thành. Cụ thể, theo nghiên cứu, có tới 30% lưu lượng giao thông phát sinh do nhu cầu người dân di chuyển lòng vòng đi tìm bãi đỗ xe.

Ước tính doanh thu ban đầu có thể thu phí được khoảng 1 tỉ đồng/ngày trên 23 tuyến đường. Thế nhưng thời gian qua có tháng Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP (đơn vị được giao thu phí) chỉ thu được khoảng 184,1 triệu đồng, trong khi chi phí nhân công đi thu lại hơn 840,5 triệu đồng. Từ đó, đơn vị này đề nghị được hỗ trợ thêm nhằm bổ sung khoản thiếu hụt cho lực lượng đi thu.

Trong khi đó, giữa tháng 9-2019, phóng viên Tuổi Trẻ đi thực tế để ghi nhận thực trạng thu phí bằng công nghệ tại 23 tuyến đường. Tại đường Tản Đà (Q.5) - địa điểm được dán bảng thu phí đỗ ôtô bằng công nghệ từ 6h-22h, qua ghi nhận chúng tôi thấy nhân viên thu phí có thời điểm nhận tiền "tươi" của tài xế 50.000 đồng/xe mà không cần thông qua app.

Tại đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1) mỗi ngày có hàng trăm lượt xe đến đậu. Trong nhiều ngày có mặt, chúng tôi cũng ghi nhận nhân viên thu phí đều thu tiền "tươi" thay vì yêu cầu tài xế cài đặt phần mềm và thanh toán qua tài khoản. Trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) và một số con đường khác có thu phí đậu xe cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Chưa kiểm soát chặt nên thất thu

Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc BU Giao thông - Trung tâm kinh doanh khách hàng Chính phủ (Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel), cho biết ở giai đoạn đầu, 23 tuyến đường dự kiến có doanh thu 1 tỉ đồng/ngày. Qua thực tế, doanh thu không đạt được như mong đợi là bởi ứng dụng chưa được người dân xài phổ biến, có trường hợp đỗ xe rồi không trả phí…

Còn về thu phí công nghệ sao vẫn có nhân viên đi thu hộ làm tốn chi phí, dễ nảy sinh tiêu cực, ông Dũng cho biết ở giai đoạn đầu muốn đưa công nghệ mới vào cuộc sống cũng phải có giai đoạn chuyển tiếp. "Giai đoạn này cần có người hướng dẫn cài đặt phần mềm, sắp xếp xe cộ vào vị trí. Khi người dân quen dần với công nghệ sẽ tiến tới việc thu phí tự động hoàn toàn" - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện Viettel đã tích hợp nhiều phương thức thanh toán trên ứng dụng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng tiện lợi hơn. Cụ thể, Viettel đã kết nối tài khoản thanh toán với 40 ngân hàng và tích hợp nhắn tin trả phí qua tài khoản các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone thay vì chỉ có Viettel như ban đầu. Sắp tới, người dân cũng có thể thanh toán phí qua ví điện tử Momo và qua Zalo.

Đại diện đơn vị cung cấp phần mềm My Parking cho rằng vấn đề hiện nay là do quy trình, quy định chưa được kiểm soát chặt dẫn đến thất thoát trong thu phí. "23 tuyến đường đã được trang bị 273 camera giám sát. Tất cả xe đậu không đóng phí đều được ghi nhận. Hiện UBND TP.HCM đã giao các sở ngành xây dựng quy trình xử phạt nguội. Lúc đó sẽ tránh được chuyện thất thoát" - ông Dũng nói.

Sẽ tiến tới đấu thầu thu phí

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - vừa yêu cầu Sở GTVT TP phối hợp với Công an TP và các sở liên quan xây dựng quy trình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thu phí đỗ xe. Từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm xử phạt nguội thông qua hệ thống camera đối với người đỗ xe mà không đóng phí. Ông Hoan cũng yêu cầu các sở ngành phải hoàn chỉnh về quy trình, giải pháp công nghệ để tới năm 2020 TP.HCM sẽ tiến tới đấu thầu thu phí theo quy định.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày