Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật xoay quanh vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ Công ty Việt Á:
Ngoài 4 nội dung chính nằm trong chương trình, theo Tổng thư ký Quốc hội, tại kỳ họp bất thường này, Chính phủ dự kiến cũng sẽ có báo cáo gửi Quốc hội về biến chủng Omicron và việc mua sắm các trang thiết bị y tế, trong đó có vụ việc “thổi giá” kit test của Công ty Việt Á. Ông thấy sao về điều này?
Trước tiên, cá nhân tôi rất đồng tình với việc cần thiết phải báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại kỳ họp bất thường. Đặc biệt, vụ việc “thổi giá” của Công ty Việt Á, cần có báo cáo giải trình, làm rõ từ các bộ liên quan. Báo chí đã lên án rất nhiều, người dân cũng rất bức xúc về vấn đề giá xét nghiệm.
Vụ việc này đúng, sai thế nào, vi phạm ra sao? Trách nhiệm của Bộ KH&CN và Bộ Y tế thế nào? Có sự bao che, tiếp tay của các bộ này hay không? Có sự cấu kết của CDC các tỉnh, thành phố với Công ty Việt Á để nâng khống giá không?... Rất nhiều vấn đề cần phải được làm sáng tỏ.
Nhiều câu hỏi về vấn đề trách nhiệm trong vụ Công ty Việt Á cần được làm rõ
Vậy theo ông, trách nhiệm của từng bộ này ra sao trong sai phạm của Công ty Việt Á này?
Với Bộ KH&CN, có trách nhiệm chủ trì, thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia về khoa học, để thẩm định chất lượng bộ kit xét nghiệm này.
Đáng lưu ý về chi phí, Bộ KH&CN thông tin, kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này gần 19 tỉ đồng. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN chứ còn ai nữa?
Cùng với đó là trách nhiệm khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, cho rằng bộ kit test này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
Mặt khác, việc Bộ KH&CN “đính chính” thông tin sau đó, nói do tổng hợp từ báo chí cũng hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm, không nhận trách nhiệm về mình.
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Cổng thông tin điện tử của bộ phải là nơi phát ngôn chính thống của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương. Khi cổng thông tin của bộ, hay UBND cấp tỉnh phát ra thì đó là thông tin chính thức, và chính thống. Nhưng khi đăng tin, anh lại nói dựa trên cơ sở tổng hợp thông tin từ báo chí là hết sức vô lý.
Chỉ khi có ý kiến chính thức từ WHO gửi văn bản về, anh mới có thẩm quyền công bố và khi đó, báo chí sẽ dựa vào thông tin đó để khai thác, đăng tải. Nhưng anh lại nói thông tin dựa trên báo chí, như vậy là cổng thông tin của cơ quan này đăng thông tin chính thống qua báo chí à? Chẳng lẽ báo chí đăng anh mới đăng tải hay sao?
Lẽ ra anh phải nhận trách nhiệm về sai sót đó, do sơ suất, do khách quan hay chủ ý? Nhưng bộ lại đính chính và đổ lỗi cho báo chí, việc đính chính của bộ về vấn đề đó là thiếu trách nhiệm.
Còn Bộ Y tế có trách nhiệm ra sao trong vụ việc thổi giá của Công ty Việt Á?
Trách nhiệm của Bộ Y tế là vấn đề giá kit test, lý do nào Bộ Y tế có văn bản đưa ra mức giá trần 470 nghìn đồng/bộ? Rồi trách nhiệm của bộ trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ra sao? Cán bộ y tế vi phạm đấu thầu, đấu giá mua sắm trang thiết bị y tế, trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào về mặt chuyên môn và quản lý nhà nước?...
Rất nhiều vấn đề liên quan trong vụ “thổi giá” kit test của Công ty Việt Á cần phải được xem xét, giải trình, làm rõ!
Cảm ơn ông!
Luân Dũng
Nguồn: tienphong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC