Như tin đã đưa, trong ngày hôm nay (29/3), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (đồng thời là lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái này).
Ông Quyết cùng các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART) và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết được cho là đã đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 18/1, ông Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính với số tiền 1,5 tỷ đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Quyết thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. Thời điểm đó, thông tin từ cơ quan quản lý còn cho biết thêm, UBCKNN đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Để xử lý vụ việc "bán chui" nói trên của ông Trịnh Văn Quyết, UCKNN đã quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định sau khi HoSE có báo cáo về sự việc.
Tiếp đó, chiều ngày 11/1, UBCKNN đã có văn bản chỉ đạo HoSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết và hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Việc hủy bỏ giao dịch căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020 ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo UBCKNN lúc đó nói với Dân trí rằng, "đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường nhưng khả thi".
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, sàn HoSE ghi nhận có đến 1,38 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 41.813,3 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FLC xác nhận khối lượng khớp kỷ lục lên tới 123,66 triệu đơn vị. Mã này trong phiên có lúc tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu thì đến thời điểm đóng cửa đánh mất 6,2% còn 21.150 đồng/cổ phiếu.
Việc "xả van" tại FLC và nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ được đánh giá là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đơ nghẽn" trên HoSE.
Kết phiên 10/1, chỉ số chính VN-Index mất 24,77 điểm tương ứng 1,62% còn 1.503,71 điểm; HNX-Index giảm 10,95 điểm tương ứng 2,22% còn 482,89 điểm và UPCoM-Index giảm 1,31 điểm tương ứng 1,13% còn 114,3 điểm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phiên khởi đầu cho chuỗi giảm sâu của thị trường sau đó, trở thành nỗi ác mộng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt tháng đầu năm 2022.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC