Việt Nam xác nhận bắt giữ nhiều người biểu tình chống Luật Đặc khu

Việt Nam xác nhận bắt giữ nhiều người hôm 10.6 sau khi nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn để phản đối Luật Đặc khu.

132 1 Viet Nam Xac Nhan Bat Giu Nhieu Nguoi Bieu Tinh Chong Luat Dac Khu

Người biểu tình phản đối Luật Đặc khu ở Hà Nội hôm 10.6.2018. Photo Courtesy: Reuters

 

Các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh nhiều người biểu tình bị “giữ” và “lôi” lên xe buýt ở Hà Nội và TP HCM. Qua các bức ảnh, có thể thấy máu trên mặt và áo một số người.

Dù dự luật không nêu cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tại ba địa điểm có thể trở thành đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc có thể dùng những nơi “chiến lược” này để “lập cứ”.

Các bức ảnh cho thấy những người xuống đường mang theo các biểu ngữ như “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày” hay “Giao đất cho giặc Tàu là mất nước”.

Sau nhiều giờ im tiếng, báo chí trong nước đồng loạt đăng lại một bản tin ngắn của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó nói rằng công an bắt giữ người “lôi kéo biểu tình trái phép” vì Luật Đặc khu.

Trong bài viết có tựa đề “Đừng quá sợ dân”, nhà báo tự do Trương Huy San nói rằng “cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực” và “người dân chỉ bày tỏ thái độ”.

“Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của “các thế lực thù địch” đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội (MXH) cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn]”, người còn được biết tới với tên gọi blogger Osin Huy Đức viết tiếp.

Một sự kiện gây nhiều chú ý trong cuộc xuống đường hôm 10.6 là chuyện “đám đông tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận”.

Báo chí trong nước dẫn lời chính quyền cáo buộc người dân “đốt xe công” và “làm nhiều cảnh sát bị thương”, trong khi nhiều người biểu tình viết trên mạng xã hội rằng họ bị “vu khống”.

Nhiều cuộc tuần hành vẫn được tổ chức theo như kế hoạch dù chính phủ Việt Nam hôm 9.6 đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu.

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, “hoãn vẫn chưa đủ” mà Việt Nam “phải chính thức thông báo hủy ý định lập đặc khu”.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ giảm thời hạn cho thuê đất 99 năm nhưng không nói cụ thể về việc giảm này. Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 7.6, ông Phúc từng nói rằng việc người dân, trí thức và người Việt ở nước ngoài góp ý về Luật Đặc Khu là “tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh”.

Các cuộc xuống đường tuần hành chống Luật Đặc khu còn là dịp để người biểu tình lên tiếng về dự luật An ninh mạng dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết vào ngày 12.6.

Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Jonathan London viết rằng “không có nước nào mà biểu tình được xem là phương án tốt nhất để giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng trong xã hội”.

“Việc có biểu tình cuối tuần không chỉ phản ánh sự nghi ngờ và phẫn nộ của nhiều người mà phản ánh một thực thế lớn hơn mà đã biết quá lâu: người dân Việt Nam đã từ lâu mong, cần, và xứng đáng những quyết định quốc gia xuất phát từ những quá trình và thảo luận minh bạch, càng mang tính văn minh đa nguyên dân chủ càng tốt”, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam này nhận định. “Như thế Việt Nam mới cất cánh”.

Theo VOA Tiếng Việt

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày