Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19 sau tròn 2 năm kể từ khi SARS-CoV-2 xâm nhập. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang dần hiểu rõ hơn về virus cùng những kinh nghiệm được đúc rút từ các ca mắc.
Là một trong những “chiến sĩ tuyến đầu” ở mặt trận điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gợi ý 6 sự thay đổi đối với công tác phòng, chống dịch cũng như khám, chữa bệnh thời gian tới.
Bổ sung thuốc điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch
Trong hướng dẫn được đăng trên tạp chí y khoa BMJ (Anh), các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc sử dụng thuốc viêm khớp Baricitinib kết hợp Corticosteroid để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đã mang lại hy vọng lớn khi giảm tỷ lệ tử vong cũng như nhu cầu dùng máy thở do Covid-19.
Baricitinib vốn là loại thuốc trị viêm khớp. Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ngẫu nhiên trên quy mô lớn, các nhà nghiên cứu đã so sánh độ hiệu quả của việc sử dụng kết hợp Baricitinib và Remdesivir với riêng Remdesivir.
Kết quả cho thấy việc thêm Baricitinib có thể giúp bệnh nhân xuất viện sớm hơn một ngày. Nhưng sự kết hợp này không giảm xác suất tử vong của những người mắc Covid-19.
Bác sĩ Phúc cũng cho biết thuốc Baricitinib đã được cấp phép ở hầu hết quốc gia thuộc châu Âu cùng khuyến cáo của Mỹ.
Mới đây, trong bối cảnh biến chủng Omicron gia tăng số ca mắc, ngày 14/1, WHO đã phê duyệt việc sử dụng loại thuốc này vào phác đồ điều trị để ngăn ngừa diễn biến nặng và tử vong do Covid-19.
“Thuốc Baricitinib khá phổ biến. Ngoài ra, đây cũng là loại thuốc dạng uống nên có giá thành phải chăng, rẻ hơn Tocilizumad, kháng thể kép hay lọc hấp phụ. Do đó, thuốc sẽ rất dễ áp dụng tại các đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam”, bác sĩ Phúc nhận định.
Sử dụng sớm thuốc chống đông
Mới đây, Viện Y tế Quốc gia hỗ trợ (NIH) đã đưa ra những nghiên cứu và khuyến cáo về việc sử dụng sớm thuốc chống đông liều điều trị từ khi bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp đến thời điểm phải nhập ICU (hồi sức cấp cứu) ở các bệnh nhân Covid-19 không có yếu tố nguy cơ chảy máu. Khi bệnh nhân phải nhập ICU, các bác sĩ có thể chuyển sang liều dự phòng.
Bác sĩ Phúc nêu ý kiến: “Bộ Y tế có thể cân nhắc bỏ dần việc sử dụng thuốc kháng đông dạng uống trong phác đồ điều trị do hiện chưa có bằng chứng về tác dụng của chúng”.
Dùng sớm thuốc kháng virus
Bác sĩ Phạm Văn Phúc khẳng định: “Như đa số bệnh học về virus từ trước tới nay, việc sử dụng thuốc kháng virus càng sớm, hiệu quả sẽ càng cao. Do đó, việc sử dụng sớm thuốc kháng virus, bất kể dạng uống hay tiêm truyền, cho bệnh nhân có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng là điều nên thực hiện”.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc cùng ê-kíp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Việt Linh.
Hiện nay, vấn đề sử dụng thuốc kháng virus tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khúc mắc. Cụ thể, Bộ Y tế đã có hướng dẫn sử dụng đối với 2 loại thuốc kháng virus là Molnupiravir và Favipiravir.
Đối với Molnupiravir, loại thuốc này đang trong chương trình thử nghiệm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay lại bày bán rất nhiều. Việc người dân tìm cách mua và tự ý sử dụng Molnupiravir thời điểm này vì thế không thực sự đảm bảo.
Không nên cố tiêm quá nhiều liều vaccine
Theo bác sĩ Phúc, với hàng loạt biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang xuất hiện, đặc biệt là Omicron với khả năng lây lan nhanh, ai cũng có khả năng nhiễm virus dù đã tiêm vaccine.
“Điều quan trọng là bạn bị lây khi nào và diễn biến bệnh nặng hay nhẹ. Do đó, chúng ta không nên tiêm đại trà mũi vaccine thứ 4, 5 hay 6 để tránh mắc bệnh”, vị chuyên gia nói.
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực khẳng định tác dụng hạn chế nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 của vaccine là không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, trong tương lai, ông cho rằng chúng ta chỉ nên tiêm đủ 3 mũi (2 mũi cơ bản cùng một liều nhắc lại) và cân nhắc tiêm thêm ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng cao.
Mạnh dạn bỏ đồ bảo hộ
Bác sĩ Phúc giải thích: “Sau 2 năm chống chọi với đại dịch cùng nhiều lần virus đột biến, chúng ta đã biết SARS-CoV-2 chỉ lây lan qua đường hô hấp. Loại virus này không lây nhiễm qua đường tiếp xúc da niêm mạc”.
Do đó, vị chuyên gia này gợi ý trong tương lai, ngành y tế nên mạnh dạn giảm dần trang phục bảo hộ cấp 4 ra khỏi danh sách các trang thiết bị cần thiết với y bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
“Việc thực hiện đúng, chuẩn các quy tắc khi đeo khẩu trang N95 cũng như đảm bảo những biện pháp khử khuẩn là đủ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus. Nếu có thể thay đổi, công việc của các nhân viên y tế cũng sẽ được giảm bớt gánh nặng khá nhiều”, bác sĩ Phúc nói.
Theo Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC