Việt Nam đề nghị Trung Quốc không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế

Bộ Ngoại giao đề nghị Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, sau khi Bắc Kinh tuyên bố tổ chức diễn tập hơn một tuần trên Biển Đông.

Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 4/3 thông báo lập vùng cấm tàu thuyền qua lại phục vụ diễn tập quân sự trên Biển Đông, phía tây nam đảo Hải Nam. Quyết định này có hiệu lực tới ngày 15/3.

“Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói hôm nay khi được đề nghị bình luận về thông báo.

Bà Hằng cho biết Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982.

“Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

1 Viet Nam De Nghi Trung Quoc Khong Vi Pham Vung Dac Quyen Kinh TePhát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNG.

Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang. Hồi giữa tháng 2, hải quân Trung Quốc điều tàu tiếp vận Type-903 và một tàu bệnh viện diễn tập tìm kiếm cứu nạn, tiếp vận trên biển và bắn đạn thật tại Biển Đông, song không công bố vị trí cụ thể.

Căng thẳng tại khu vực Biển Đông tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Mỹ cũng triển khai nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Trung Quốc cũng bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.

Nguồn: Vnexpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày