Có thể sản xuất 2 triệu viên thuốc trị COVID-19 mỗi tháng, không nên trữ thuốc

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết 3 công ty dược có thể sản xuất 2 triệu viên thuốc kháng virus mỗi tháng, thuốc sẽ không khan hiếm, người dân không nên dự trữ thuốc.

1 Co The San Xuat 2 Trieu Vien Thuoc Tri Covid 19 Moi Thang Khong Nen Tru Thuoc

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Đặng Quốc Toàn chủ trì họp báo - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 7-3, TP.HCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trao đổi tại họp báo về tình trạng người dân có tâm lý dự trữ thuốc kháng virus Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty dược lớn sản xuất thuốc kháng virus. Năng lực sản xuất thuốc khoảng 2 triệu viên/tháng nên sẽ không thiếu thuốc. Thời gian tới, sẽ có thêm một số công ty dược được cấp phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19. 

Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 ngắn hơn một số loại thuốc, nên việc trữ không có lợi. Ngoài ra, thuốc kháng virus là thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ nên người dùng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Vì những lý do trên, bà Mai cho rằng sẽ không thiếu thuốc, thậm chí giá thuốc có thể sẽ giảm theo quy luật cung cầu nên người dân không nên tích trữ thuốc.

Về việc Bộ Y tế đã đề xuất cho F1 đi làm khi đáp ứng một số điều kiện và F0 có thể làm việc trực tuyến tại nhà, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế TP cũng như các sở ngành khác đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân loại F0, F1.

Đối với chỉ đạo này, định nghĩa F1 có các điều kiện hạn chế nên số lượng F1 không nhiều. "Mục tiêu là quản lý kiểm soát tốt F0, F1 để ngăn lây nhiễm cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ. Như vậy, địa bàn TP chưa có hướng dẫn cho F1 đi làm bình thường nên vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế", bà Mai nói.

2 Co The San Xuat 2 Trieu Vien Thuoc Tri Covid 19 Moi Thang Khong Nen Tru Thuoc

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Ảnh: THẢO LÊ

Về vấn đề có nên xem COVID-19 là "bệnh đặc hữu", chánh văn phòng Sở Y tế cho biết theo báo cáo Bộ Y tế gửi Thủ tướng, "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Có 4 tiêu chí để đánh giá bệnh lưu hành gồm có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỉ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức trên dưới 100 ca. Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" vì một số lý do. Do đó, TP.HCM vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày