Mẫu chứng nhận hộ chiếu vắc xin Bộ Y tế vừa ban hành - Ảnh: BYT
Theo quyết định này, mẫu "hộ chiếu vắc xin" sẽ bao gồm về cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch), tên bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi đã tiêm, cùng các thông tin về loại vắc xin, số lô, ngày tiêm vắc xin...
Bộ Y tế cũng hướng dẫn các thông tin kể trên sẽ được ký số, mã hóa dưới dạng mã QR. Thông tin về cá nhân người mang hộ chiếu vắc xin sẽ kết hợp với các giấy tờ cá nhân khác để giúp định danh người sở hữu.
Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, thông tin về vắc xin hiển thị tương ứng với tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được cập nhật trên Cổng thông tin điện từ của WHO và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Bộ Y tế, mã QR trong hộ chiếu vắc xin sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo. Quy trình cấp "hộ chiếu vắc xin" bao gồm các bước: cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm vắc xin COVID-19; thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng.
Bước thứ 3 là Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn EU.
Dữ liệu tiêm chủng được chuẩn hóa theo bảng mã quốc tế
Cụ thể, mã code bệnh dịch COVID-19 theo bảng mã quốc tế là 840539006COVID-19, cùng mã code của 8 loại vắc xin đã được sử dụng tại Việt Nam là Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Janssen, Hayat-Vax, VeroCell, Sputnik và Abdala.
Theo thông tin ban đầu (tính đến 9-12), đã có một số quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC