Từ vụ án Trương Mỹ Lan: Ngẫm câu ''Tiền nhiều để làm gì?''

Trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân, còn ở trong vụ án trước bị cáo bị tuyên án tử hình.

Vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát được cho là vụ án có số tiền chiếm đoạt và tiền đưa hối lộ lớn nhất lịch sử từ trước đến nay, là điển hình cho sai phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dùng ngân hàng làm “sân sau” cho doanh nghiệp.

Từ sau năm 2014, hàng loạt đại án kinh tế, tham nhũng liên quan tội phạm tài chính, tiền tệ dần hé lộ nhiều "đại gia" làm lũng đoạn nền kinh tế, tài chính ngân hàng, và đỉnh điểm nhất có thể nói là Trương Mỹ Lan.

Nói về thủ đoạn, phương thức phạm tội để chiếm đoạt tiền của người dân gửi vào ngân hàng, thì nhóm tội phạm này không có một kịch bản cố định nào. Tất cả phương thức đều nhằm mục đích là chiếm đoạt tiền.

Bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt chưa từng có trong lịch sử về tội phạm tài chính - ngân hàng, với hơn 677.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

1 Tu Vu An Truong My Lan Ngam Cau Tien Nhieu De Lam GiBị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB. Ảnh: CAND

Khi Cơ quan điều tra Bộ Công an đưa ra những cáo buộc, thì tất cả đều ngỡ ngàng trước số tiền mà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại. Và nếu quy đổi ra tiền mệnh giá 500 nghìn đồng, nó có thể xếp kín khoảng 840 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Tháng 4/2024, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Tiếp đến, ngày 19/9, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án giai đoạn 2 liên quan đến bà Trương Mỹ Lan ra xét xử. Đến sáng 4/10, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo, với phần luận tội và đề nghị mức hình phạt, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12-13 năm về tội rửa tiền và 8-9 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt đề nghị là chung thân.

Theo Luật sư Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, trường hợp bị cáo đã bị kết tội trong vụ án trước là hình phạt tử hình, trong vụ án sau là tù chung thân thì tổng hợp hình phạt đối với bị cáo sẽ là tử hình. Như vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan khó thoát khỏi "án tử" trong đại án này.

Ngoài Trương Mỹ Lan, hàng chục bị cáo khác với vai trò giúp sức để thực hiện hành vi sai trái cũng phải nhận sự chừng phạt thích đáng của pháp luật, của ánh sáng công lý.

"Tiền nhiều để làm gì?" - câu cảm thán trong cuộc tranh chấp ly hôn trước tòa của "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ đã trở thành câu hỏi hot nhất mạng xã hội vào thời điểm năm 2019.

Hay như câu nói kinh điển của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Đặt trong bối cảnh cụ thể, mỗi khi nhắc lại câu nói trên đây của Tổng Bí thư, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi lắng đọng, suy ngẫm về những nhu cầu, giá trị mà mọi người đều hướng đến nhưng lại có thể xung đột với nhau. Đó là mối quan hệ giữa những lợi ích vật chất và những giá trị tinh thần, có tính đạo đức như danh dự, trách nhiệm, bổn phận, liêm chính.

Đối với Trương Mỹ Lan, những ngày tháng trong lao ngục thì câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?” càng trở nên thấm thía hơn bao giờ hết. Song, Trương Mỹ Lan sẽ khó còn thời gian để sửa chữa những lỗi lầm do mình gây ra, ngoài việc cố gắng khắc phục tốt hậu quả, khai báo thật thành khẩn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Có thể thấy, tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì không có nhiều thứ. Nói như thế để thấy rằng tiền quan trọng vì nó tạo ra hạnh phúc nhưng không phải hạnh phúc nào cũng tạo ra bởi tiền bạc. Vậy nên, hãy trân trọng trước những suy nghĩ, hành động xuất phát từ tình thương, tôn chỉ của pháp luật, đừng vì đồng tiền mà bất chấp tất cả để rồi đôi khi phải trả giá đắt. Chỉ có như vậy thì mỗi người mới có thể tìm cho mình được một hạnh phúc đích thực.

Theo Công Thương


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày