Từ phía ngành Giáo dục, những con số báo cáo lại cho thấy là Việt Nam hiện đang có rất ít tiến sĩ. Mới đây nhất, trong một hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số con số đáng lo ngại đã được đưa ra.
Xin trích từ báo cáo: "Số liệu năm 2021, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam là khoảng 12.000 người. Tính tỷ lệ trên dân số, con số này chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore và xấp xỉ 1/9 so với trung bình 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)".
Là người nghiên cứu về giáo dục đại học, tôi hoàn toàn đồng tình với các nhận định trên của Bộ. Xin hãy nhìn vào biểu đồ phía dưới. Cột màu xanh lá thể hiện số nghiên cứu sinh nhập học chương trình tiến sĩ tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu tại Việt Nam giai đoạn 2019-2024.
Xin đi sâu giải thích một chút về các số liệu này.
Thứ nhất, số lượng tuyển sinh mới có xu hướng giảm từ 2019-2022, và tăng trưởng trở lại khá tốt sau đó trong giai đoạn 2022-2024. Nguyên nhân của việc này là giai đoạn 2020-2022 là các năm gắn liền với Covid-19; bên cạnh đó từ 2021 trở về trước, quy chế tuyển sinh tuân theo quy định cũ (Thông tư 08) trong đó có một số yêu cầu khá cao với nghiên cứu sinh như bài báo quốc tế, điểm thi tiếng Anh IELTS, nên quy mô tuyển sinh cho đến 2021-2022 chạm đáy, chỉ hơn 1.200 người.
Thứ hai, dù có tăng trưởng trở lại khá tốt, nhưng quy mô tuyển sinh luôn chiếm tỷ lệ nhỏ so với chỉ tiêu tuyển sinh (cột màu xanh dương). Theo tính toán, năm có tỷ lệ nghiên cứu sinh tuyển mới/chỉ tiêu tốt nhất là năm 2023-2024, nhưng tỷ lệ này cũng chỉ đạt 47,2%. Hai năm 2020-2021, 2021-2022, tỷ lệ này chỉ là 25.2%.
Những con số này đang thực sự khiến ngành giáo dục lo ngại.
Lo ngại là đúng, bởi chúng ta đều biết nghiên cứu sinh tiến sĩ là thành phần cực kỳ quan trọng của bất kỳ nền khoa học nào. Một nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm thường hoạt động theo mô hình kim tự tháp, trong đó có một trưởng nhóm trình độ Giáo sư/Phó giáo sư; 2-3 thành viên chính là giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ/trợ lý Giáo sư hoặc postdoc (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ); và 3-5 nghiên cứu sinh.
Việc chúng ta có ít nghiên cứu sinh nghĩa là một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam có thể phải vận hành theo mô hình quả trám: một trưởng nhóm - 2/3 thành viên chính - một nghiên cứu sinh; hoặc muốn hoạt động theo mô hình kim tự tháp thì buộc phải tuyển học viên cao học và sinh viên đại học thay thế vào. Nhưng thường là học viên cao học, sinh viên đại học sẽ chưa đủ trình độ, chưa kể thời gian làm việc quá ngắn, khó đóng góp được nhiều cho nhóm nghiên cứu.
Từ mô tả một nhóm nghiên cứu, chúng ta có thể suy rộng ra cả hệ thống học thuật trong cả nước để hiểu khó khăn chung đang là như thế nào.
Nhưng trong cái lo cũng có cái mừng. Và nếu chúng ta nhìn theo hướng tích cực thì không phải là không có giải pháp.
Thứ nhất, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18 năm 2021 về đào tạo tiến sĩ, trong đó có 1 số quy định nhẹ hơn về yêu cầu bài báo quốc tế, điểm tiếng Anh, đã có một số lo ngại về số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ bùng nổ, tạo ra các "lò ấp" tiến sĩ mới. Nhưng thực tế, con số này có tăng nhanh nhưng không đến mức bùng nổ, và vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu có thể tuyển.
Điều này cho thấy từ phía người học, đã có sự chọn lựa nhất định; và theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, số lượng người ở ngoài khu vực giáo dục và nghiên cứu đi học tiến sĩ hiện nay đã ít hơn trước.
Thứ hai, thực trạng này cũng là cơ hội để chúng ta làm tốt hơn, mở rộng hơn Đề án 89. Đề án 89 có thể coi là tiếp nối của Đề án 911 về đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học, được ban hành từ 2019 nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai rốt ráo.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn thực hiện đề án này, với các hợp phần cử người đi học ở nước ngoài cũng như đi học trong nước với quy mô cân bằng. Và người học tiến sĩ trong nước theo Đề án cũng cần được nhận một mức học bổng tương xứng, để không phải suy nghĩ quá nhiều về chuyện đi làm trong 3-4 năm học tiến sĩ.
Học tiến sĩ là bậc học cần phải có lương, có học bổng - đây là thông lệ chung trên toàn thế giới - nhưng rất tiếc ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa quá phổ biến.
Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC