Sốt đất 'xì hơi', nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nhưng không ai mua

Có người trả mảnh đất nông nghiệp của anh Trần Văn Tĩnh chênh 500 triệu đồng nhưng sợ bán hớ, anh Tĩnh giữ lại đến giờ bán bằng giá cũng không ai mua.

Anh Trần Văn Tĩnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2021, anh mua 1 mảnh đất ven hồ 1.000 m2 ở Thạch Thất với giá 5 tỷ. Mảnh đất này có 20 mét mặt hồ và 100 m2 đất thổ cư.

Anh Tĩnh vừa mua được vài tháng, thì cuối tháng 3/2022 cơn sốt đất ven hồ bùng lên, lô đất của anh Tĩnh được hỏi mua lại với giá chênh 500 triệu đồng so với lúc anh mua. Tuy nhiên, anh Tĩnh sợ bán hớ nên quyết định giữ lại chờ giá lên tiếp.

"Tôi nghĩ lãi 500 triệu đồng là quá ít vì lô đất của tôi có vị trí đẹp, đất ven hồ luôn nên giá ấy bán sẽ bị hớ nhiều. Hơn nữa thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng, nên tôi cũng không vội vàng gì", anh Tĩnh chia sẻ.

1 Sot Dat Xi Hoi Nha Dau Tu Rao Ban Cat Lo Nhung Khong Ai Mua

Nhiều nhà đầu tư sợ bán hớ, bị mắc kẹt khi cơn sốt đất đi qua.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, do gia đình có việc cần tiền gấp, anh Tĩnh đành nhờ các môi giới bán giúp mảnh đất của mình. Mức giá anh gửi bán là 6 tỷ đồng.

Nhưng rao bán cả tháng, lô đất của anh Tĩnh cũng có rất ít khách hỏi, gần như không nhiều người quan tâm.

Theo môi giới, hiện thị trường khá trầm lắng, họ giới thiệu nhiều khách nhưng cũng không mấy ai quan tâm. Thị trường khi có sóng mới đẩy được hàng, còn khi đứt sóng thì giá rẻ cũng chưa chắc bán được, trừ khi giá thật rẻ.

"Dù tôi đã hạ giá 5,5 tỷ như xưa có khách hỏi mua, nhưng đến nay gần 2 tháng rao bán vẫn chưa có người hỏi mua. Giá lúc trước tôi không chần chứ, quyết bán luôn thì giờ thu hồi vốn về làm việc khác", anh Tĩnh chia sẻ.

Giống như anh Tĩnh, chị Lê Thanh Lan cũng mắc kẹt lô đất vườn ở Quốc Oai (Hà Nội). Chị kể, sau 1 tháng mua đất, nhiều khách hàng trả chênh 300- 500 triệu đồng nhưng vì sợ bán hớ nên chị vẫn chưa bán. Đến giờ, gần như không có khách hỏi mua, chị bán bằng giá lúc mua cũng không có ai hỏi.

"Đất vườn thực tế tăng là do môi giới và nhà đầu tư làm sóng, chứ giá trị sử dụng không nhiều. Vì thế, khi môi giới rút đi, thị trường trầm lắng thì có bán rẻ, lô đất của tôi cũng không ai hỏi mua", chị Lan chia sẻ.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội thừa nhận, một số thị trường địa ốc đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do mức giá ở một số khu vực đang đứng ở mức cao. Mức giá cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính thanh khoản trên thị trường, lượng giao dịch thành công thời gian vừa qua đã ghi nhận sự sụt giảm.

Cũng theo các chuyên gia phân tích, nếu như mức giá cao kéo dài trong một khoảng thời gian, người mua không có, nhà đầu tư phải đứng trước áp lực phải cắt lỗ. Tâm lý người mua hiện tại không còn mạnh tay xuống tiền. Họ có phần cẩn trọng và xem xét, cân nhắc kĩ. Hoặc họ chờ đợi thị trường sụt giảm về giá để vào tiền. Nên những nhà đầu tư đủ khả năng gồng gánh nợ lãi cần chờ đợi thời gian. Còn nhà đầu tư không thể gánh nợ sẽ buộc phải cắt lỗ.

Theo VTC News


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày