Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trước tình trạng như báo chí nêu vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã vào cuộc và thường xuyên trao đổi, phối hợp với phía Campuchia cũng như các cơ quan, địa phương Việt Nam giáp biên giới Campuchia.
Phía Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Campuchia gặp khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước.
Công an làm việc với một nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia – Ảnh: BỘ CÔNG AN
Chẳng hạn lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia,…
“Cho đến nay các cơ quan hai bên đã đưa về Việt Nam được khoảng 400 trường hợp, đồng thời hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hoặc vi phạm luật pháp sở tại”, bà Thu Hằng cung cấp số liệu trong cuộc họp báo chiều 7-7.Hôm 26-6, trả lời báo chí về tình trạng người Việt bị lừa sang Campuchia và cưỡng bức lao động, bà Thu Hằng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, kiên quyết đấu tranh với các hành vi lừa đảo, di cư trái phép hoặc đưa người di cư trái phép.
Trong một hội nghị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài hôm 29-6, thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, cũng nhắc đến thực trạng người Việt bị lừa đảo sang nước ngoài.
Theo ông Quang, những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, nhưng thực chất là “bán” cho các công ty đánh bạc trực tuyến.
Bộ Công an và chính quyền nhiều địa phương cũng đã vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh bị lừa và ngăn chặn các hành vi dụ dỗ, lừa đảo đưa người vượt biên.
Nguồn: Tuoitre
© 2024 | Thời báo ĐỨC