Sống trong cảm giác 'chờ đến lượt mắc Covid-19'

Nhiều người có tâm lý "mắc Covid-19 cho xong" để khỏi lo lắng hoặc muốn cả nhà nhiễm để cách ly điều trị một lúc, song các chuyên gia khuyến cáo "không nên".

Chị Ngọc, 30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, làm việc tại một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh, mấy tháng qua thường sống trong tâm trạng thấp thỏm vì "lần lượt hết người này đến người khác trong công ty dương tính". Mỗi lần có người làm chung trở thành F0, chị và những đồng nghiệp còn lại phải "chọt mũi để xét nghiệm". Đến nay, chị đã trải qua hàng chục lần tự xét nghiệm.

Những ngày cuối năm thời tiết se lạnh, chỉ cần hơi đau cổ họng là chị lại nghi ngờ mắc Covid, không dám đi đâu sợ lây cho mọi người. "Cuối tuần rồi có bạn mời đám cưới, tôi đau họng nên phải ở nhà", chị Ngọc chia sẻ. Hầu hết đồng nghiệp, bạn bè của chị đều đã tiêm vaccine, ai cũng mắc bệnh nhẹ và tự điều trị tại nhà, không phải nhập viện.

"Cảm giác như Covid-19 đang treo lơ lửng trên đầu, mỗi người xếp hàng chờ đến lượt vì ai rồi cũng sẽ bị, ai mắc trước càng đỡ phải lo", chị Ngọc nói. Bản thân còn trẻ, không bệnh nền, đã tiêm hai mũi vaccine, lại độc thân, không sống cùng người lớn tuổi, đôi lúc chị Ngọc "mong thành F0 xong cho yên tâm, trước Tết Nguyên đán càng khỏe".

Đến nay, TP HCM ghi nhận hơn nửa triệu ca Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Trung bình, cứ 100.000 người dân sống tại thành phố, có hơn 5.500 người nhiễm. Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 cảm thấy tự tin, thoải mái hòa nhập cuộc sống bình thường mới hơn. Anh Phong (ngụ quận Gò Vấp) cho biết trước đây lúc nào cũng nơm nớp lo ngại Covid-19, nghe ai F0 là rất sợ hãi. Sau khi vợ chồng và hai con cùng bị bệnh, đều vượt qua được, anh như "cởi bỏ được gánh nặng, thoải mái ra ngoài vi vu cùng nhau". "Bây giờ F0 khắp nơi, kiểu như trước sau gì cũng bị nên tính ra ai dính trước càng đỡ lo", anh Phong nói.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM) không ủng hộ quan điểm "mắc bệnh xong sẽ yên tâm hơn", bởi người mắc bệnh rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chứ không hoàn toàn tránh được. Bên cạnh đó, F0 sau khi khỏi bệnh có thể gặp phải các di chứng, được các nhà khoa học trên thế giới gọi là "hội chứng Covid-19 kéo dài" hoặc "hội chứng hậu Covid" với nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Người bệnh cũng phải tốn thời gian cách ly điều trị, làm gián đoạn công việc. Chưa kể, dù đã tiêm vaccine, không lớn tuổi, không bệnh nền thì vẫn có thể mắc bệnh bệnh và khó tránh khỏi hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh nặng.

Theo phó giáo sư Dũng, ngoài những ảnh hưởng với bản thân, F0 còn có khả năng lây lan, làm xáo trộn cuộc sống người khác. Ngoài ra, cứ mỗi lần mắc bệnh thì virus sẽ nhân bản lên, nhiều khả năng gây biến chủng mới. "Dù nguy cơ này rất nhỏ nhưng ai cũng cố tình để mắc bệnh thì biến chủng mới sẽ càng có cơ hội nhiều lên nữa", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng nguyên lý chung là đừng để Covid-19 ảnh hưởng cuộc sống, nhưng nếu để không ảnh hưởng mà tránh được bệnh là tốt nhất. Điều này có nghĩa, mỗi người không nên quá lo sợ Covid mà không dám làm việc, không dám ra ngoài, không đi học. Nếu bắt buộc phải ra đường làm việc thì vẫn nên đi, nhưng cái gì bảo vệ được bản thân tốt nhất mà không cản trở công việc thì nên tuân thủ, chẳng hạn như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người...

"Nếu hỏi tôi có sợ Covid-19 thì tôi không sợ, nhưng cũng không muốn mắc bệnh, cho nên tránh được lúc nào thì cố gắng tránh lúc đó", phó giáo sư Dũng nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), cho rằng "không nên nghĩ cứ F0 xong là tốt" bởi vẫn có nguy cơ tái nhiễm, lây lan cho những người nhóm nguy cơ, người lớn tuổi, bệnh nền mà bản thân tiếp xúc. "Mọi người không nên quá lo lắng, không quá thận trọng khi hòa nhập cuộc sống mới, nhưng vẫn luôn cần có ý thức phòng ngừa ở mức tốt nhất có thể", bác sĩ Khanh khuyên.

Theo bác sĩ Khanh, nhiều người mắc bệnh có thể không ghi nhận triệu chứng. Do đó, nếu lơ là phòng dịch, càng có nhiều khả năng mang mầm bệnh về nhà mà không hay biết, rồi lây lan cho những người nhóm nguy cơ xung quanh.

1 Song Trong Cam Giac Cho Den Luot Mac Covid 19

Giới trẻ TP HCM xem phim ngày cuối tuần, ngày 19/12. Ảnh: Nhật Thực.

Phó giáo sư Dũng cho rằng cũng không nên có tâm lý muốn cả nhà nhiễm để thuận tiện cách ly điều trị một lúc, đỡ phải lo lắng phòng vệ và tốn thời gian cách ly nhiều lần về sau. Ngoài nguy cơ "hội chứng Covid-19 kéo dài" nếu để nhiễm bệnh, việc chăm sóc lẫn nhau trong lúc cả nhà bị bệnh có thể không đảm bảo, đặc biệt là gia đình có bố mẹ già yếu cần hỗ trợ nhiều.

Theo ông, một người đã khỏi bệnh vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), không có quyền lợi gì nhiều hơn để phải đánh đổi. "Việc thực hiện 5K sẽ tạo ra văn hóa xã hội. Những người đã chích ba mũi vaccine, từng là F0 khỏi bệnh nếu chủ quan không đeo khẩu trang có thể gây cảm giác khó chịu cho người xung quanh", phó giáo sư Dũng nói.

Các chuyên gia khuyến cáo tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nước, người dân cần tiếp tục tuân thủ 5K, duy trì đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tụ tập đông người vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là dịp Tết sắp đến. Cố gắng phòng tránh bệnh ở mức tối đa sẽ giúp giảm nguy cơ cho bản thân, gia đình cũng như gánh nặng cho y tế, xã hội.

Lê Phương

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày