Ngừng quan tâm số ca mắc tăng, tập trung vào F0 nặng, nguy cơ
Hà Nội đã vượt ngưỡng hơn 2.700 ca Covid-19 mới/ngày. Số nhiễm ghi nhận trong ngày tại Thủ đô tiếp tục vượt các tỉnh khu vực phía Nam, đứng đầu cả nước.
Với số ca mắc tăng cao như vậy, TP liệu đã đạt đến đỉnh dịch? Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định, dịch đã lan rộng ở cộng đồng. Đây chưa phải là đỉnh dịch bởi số ca mắc TP sẽ tiếp tục tăng.
“Đặc biệt, bên cạnh việc đối phó với chủng Detal, chúng ta đã ghi nhận chủng Omicron - được cho là có tốc độ lây lan rất nhanh. Ngoài ra, sắp tới là dịp cuối năm sẽ diễn ra nhiều cuộc liên hoan, họp hành và người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, với nhu cầu đi lại, giao thương nhiều, số ca mắc không dừng lại ở đó”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng phân tích.
Điều trị F0 tại bệnh viện ở Hà Nội
Theo PGS.TS Hùng, đây là việc khó tránh khỏi. Chúng ta không thể kiểm soát được số ca mắc tăng, kể cả áp dụng biện pháp mạnh. Ví dụ tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam từng áp dụng chỉ thị 16 nhưng số ca mắc vẫn tăng do người dẫn vẫn phải đi làm, vẫn sinh hoạt, đi mua sắm…Tuy nhiên đây không phải là vấn đề quá lo ngại bởi F0 đa số là nhẹ, không triệu chứng.
“Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, tăng cao như thế nào, nên tập trung vào số ca nặng, ca tử vong. Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”, PGS.TS Hùng nhận định.
Theo PGS.TS Hùng, ngành y tế cần phân tích các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vắc xin hay chưa và phân tích nguyên nhân tử vong, có phải tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Tương tự, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cũng cho rằng, chúng ta nên tập trung vào số ca nặng, ca có nguy cơ chuyển nặng thay vì việc quan tâm ca nhiễm tăng từng ngày.
“Đặc biệt là việc phát hiện sớm để đưa vào bệnh viện các ca nguy cơ để điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói.
Cũng theo PGS.TS Hải, mỗi ngày, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 tiếp nhận 20-30 ca F0 nặng. Đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 200-300 trường hợp từ nặng đến nguy kịch. Các F0 nặng, nguy kịch đa số chưa tiêm vắc xin, một số tiêm được 1 mũi. Chủ yếu là người cao tuổi 80 - 90 và gần 100 tuổi, có bệnh lý nền.
“Các đồng nghiệp của chúng tôi làm việc ở các bệnh viện điều trị F0 tầng 3 cũng chia sẻ, nhóm nặng chủ yếu các cụ 80 tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm vắc xin. Tình trạng rất nặng, chỉ số ít vượt qua được”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
Vì vậy, PGS.TS khuyến cáo, người cao tuổi dù có bệnh nền nặng cũng cần được tiêm vắc xin. “Con, cháu đừng ngần ngại, hãy đưa các cụ đi tiêm vắc xin. Ngoài ra, có thể nhờ hỗ trợ của y tế địa phương tiêm cho đối tượng này càng sớm càng tốt”, ông Hải nói.
Tăng số F0 cách ly, điều trị tại nhà
Trở lại câu chuyện số ca mắc tăng, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội đang có những điểm thuận lợi đó là người dân đã được phủ vắc xin, dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp (theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tỷ lệ tử vong/ca mắc của Hà Nội là 0.3%), ngoài ra người dân đã được cách ly, điều trị tại nhà.
“"Trước kia, chính quyền, ngành y tế lo hết ăn ở, chỗ cách ly cho F0, F1. Nếu chuyển sang cách ly, điều trị tại nhà sẽ giảm gánh nặng cho ngành y tế vì các ca chủ yếu nhẹ, không triệu chứng. Đồng thời, người dân nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị tại nhà sinh hoạt vẫn không bị đảo lộn, tâm lý thoải mái, sẽ nhanh khỏi hơn”, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng đề xuất, TP nên tăng số F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Theo đó, quy định các ly F0, F1 tại nhà cũng phải mở rộng. Cụ thể, hiện tại F0 điều trị tại nhà phải từ 1-50 tuổi, không có các bệnh nền và đủ điều kiện cách ly nhưng nên mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách ly.
Nhân viên y tế trao đổi với F0 điều trị tại nhà tại Hà Nội
Theo PGS.TS Hùng, hiện tại nhờ đời sống cải thiện, nhiều người già sức khỏe tốt, tuổi thọ người dân được nâng cao vì vậy nếu họ đủ thiết bị theo dõi (nhiệt kế, máy đo SpO2, đo huyết áp…), có bác sĩ theo dõi online, tiếp cận được với các kênh y tế nên để họ cách ly tại nhà.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh, ngành y tế cần tăng cường khả năng thông tin, hướng dẫn cho người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đó là hướng dẫn người dân tự xét ngiệm, tự theo dõi sức khỏe (phát hiện dấu hiệu trở nặng), phát thuốc và hướng dẫn sử dụng…
“Dù chủng này hay chủng mới, chúng ta cần phát huy vai trò, trách nhiệm người dân trong chống dịch để giảm gánh nặng cho ngành y tế. Tuy nhiên giao trách nhiệm cho người dân nhưng không bỏ rơi, phải đồng hành cùng họ sát sao, để nắm được ca nguy cơ trở nặng, can thiệp kịp thời”, ông nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, cũng cho rằng Hà Nội có thể tăng số F0 điều trị tại nhà. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị F0 tại nhà nhưng thực tế nhiều nhà không đạt được những quy định đề ra, như nhà cửa không được rộng rãi…
"Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên cho họ ở nhà, để người trong nhà có thể chăm sóc, theo dõi sát, phát hiện nguy cơ trở nặng. Nếu đưa đến thu dung là gánh nặng cho ngành y tế, người bệnh không vui, nhân viên quá tải. Chúng ta hoàn toàn có thể cho người bệnh ở nhà tùy theo triệu chứng của người bệnh, thay vì điều kiện chúng ta đặt ra", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói.
PGS.TS Hải cũng cho rằng, nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời.
Ngoài ra, phương tiện vận chuyển F0 cũng phải được chú trọng. “Thời gian gần đây chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng người bệnh chờ lâu, phương tiện quá tải, người bệnh sốt ruột. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở y tế vừa vận chuyển F0 đến cơ sở thu dung, vừa vận chuyển ca bệnh nặng dẫn đến quá tải", ông Hải nhận định.
Theo VietNamNe
© 2024 | Thời báo ĐỨC