Vào ngày 22/2 (giờ địa phương), Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố gói trừng phạt đối với Nga sau quyết định công nhận vùng ly khai của Ukraine.
Trong khi đó, Washington cho biết sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt cụ thể nhắm vào từng cá nhân hoặc tổ chức tại Nga, thay vì gói trừng phạt rộng hơn theo kịch bản Nga tấn công Ukraine, theo Reuters.
Loại Nga khỏi SWIFT
Một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất là loại Nga khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu, xử lý các giao dịch của khoảng 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.
Năm 2012, SWIFT đã loại các ngân hàng Iran, khi quốc tế trừng phạt Tehran vì chương trình hạt nhân nước này. Iran sau đó mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% kim ngạch thương mại, theo tổ chức nghiên cứu Carnegie Moscow Center.
"Mỹ và Đức sẽ chần chừ với quyết định này, khi các giao dịch ngân hàng của hai nước này trong SWIFT phần lớn có liên kết với Nga", Maria Shagina, thành viên Carnegie Moscow Center, cho biết.
Ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, buộc Nga thời điểm đó phải phát triển một hệ thống giao dịch thay thế, được gọi là SPFS.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong năm 2020, lượng giao dịch từ SPFS chiếm khoảng 20% tổng giao dịch quốc nội, và hướng đến mục tiêu 30% trong năm 2023. Tuy nhiên, SPFS gặp khó khăn khi kết nối với các giao dịch quốc tế.
Loại Nga khỏi SWIFT là đòn trừng phạt kinh tế nặng và nhiều rủi ro nhất phương Tây có thể đưa ra. Ảnh: Sputnik.
Tài chính và ngân hàng
Nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Biden đang chuẩn bị các biện pháp đánh vào hệ thống tài chính và ngân hàng Nga.
Washington cũng có thể sử dụng đòn trừng phạt nặng hơn với các cá nhân và công ty Nga, qua việc liệt họ vào danh sách công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt (SDN - Specially Designated Nationals).
Điều này nhằm loại các cá nhân và tổ chức ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản tại Mỹ.
Nguồn tin thân cận cho biết các ngân hàng quốc doanh VTB Capital, Sberbank, VEB, Gazprombank là những mục tiêu được nhắm đến.
Các lệnh trừng phạt này đều có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Nga và gây khó khăn trong việc giao dịch bằng USD.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, tổng tài sản và nợ nước ngoài của các ngân hàng Nga hiện nay lần lượt là khoảng 200 tỷ USD và 134 tỷ USD. Trong đó, tiền USD chiếm khoảng 53% ở cả hai hạng mục.
Tuần trước, Anh cảnh báo sẽ ngăn các công ty Nga huy động vốn ở London - trung tâm tài chính của châu Âu. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ có thể nhắm vào các công ty và ngân hàng Nga để ra lệnh trừng phạt.
Trừng phạt cá nhân
Đóng băng tài sản và hạn chế đi lại là công cụ phổ biến mà phương Tây từng sử dụng lên các cá nhân ở Nga.
EU ngày 21/2 đã áp đặt trừng phạt lên 5 người tham gia bầu cử Quốc hội Nga ở Crimea hồi tháng 9/2021.
Trước đây, Mỹ đã sử dụng danh sách SDN như công cụ trừng phạt giới tinh hoa ở Nga. Tuy nhiên, Washington gần đây đã thận trọng hơn, sau vụ trừng phạt chủ sở hữu của Rusal - một trong những công ty sản xuất nhôm lớn nhất thế giới - năm 2018 khiến giá nhôm tăng vọt.
Một dự luật do đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ công bố tháng 1 đề xuất trừng phạt các quan chức hàng đầu của Moscow và quân đội Nga.
Chính phủ Anh cũng đe dọa công khai tài sản và quyền sở hữu công ty của giới thượng lưu Nga - vốn có mặt nhiều ở Anh - nếu Moscow tấn công Ukraine.
Mỹ có thể trừng phạt giới tinh hoa của Moscow, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Tass.
Dừng xuất khẩu chip điện tử
Nhà Trắng cho biết các công ty sản xuất chip sẵn sàng áp đặt hạn chế xuất khẩu sang Nga nếu nước này tấn công Ukraine, bao gồm việc ngăn Nga tham gia vào nguồn cung thiết bị điện tử toàn cầu.
Điều này từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, khi các lệnh trừng phạt công nghệ gây khó khăn cho Liên Xô trong phát triển kinh tế.
Công ty năng lượng và dự án Nord Stream 2
Mỹ và EU đã áp đặt trừng phạt lên công ty khí đốt Gazprom của Nga, khiến các công ty con trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ đối mặt với những hạn chế xuất nhập khẩu và tăng nợ.
Các lệnh trừng phạt có thể mở rộng, với khả năng ngăn các công ty thanh toán bằng USD.
Dự án đường ống Nord Stream 2 nối giữa Nga và Đức, dù đã gần hoàn thành, vẫn chưa chính thức được thông qua theo quy định.
Dù vậy, việc châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga có thể khiến phương Tây chùn bước khi ban hành trừng phạt ở lĩnh vực này.
Các đoạn ống để lắp đặt Nord Stream 2 khi còn được tập kết ở Sassnitz, Đức vào năm 2016. Ảnh: AP.
Đánh vào thị trường trái phiếu
Chính quyền Biden năm 2021 đã hạn chế khả năng vay nợ của Nga bằng việc cấm các tổ chức tài chính Mỹ mua trái phiếu chính phủ trực tiếp từ Moscow.
Lần này, Mỹ và đồng minh có thể áp đặt thêm lệnh cấm lên các thị trường thứ cấp, cụ thể là cấm mua trái phiếu chính phủ Nga phát hành bằng đồng euro (eurobonds) và ruble (OFZ).
Tháng 4/2021, Tổng thống Joe Biden đã cấm các nhà đầu tư Mỹ mua trái phiếu Nga, sau cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020, tấn công mạng, và can thiệp vào Ukraine.
Trần Hoàng
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC