Sẵn sàng ứng phó biến thể Omicron

Với ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11 có kết quả xét nghiệm dương tính, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá dịch tễ, thực hiện xét nghiệm giải trình tự gien nhằm xác định biến thể này.

 Ca bệnh Covid-19 nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam là người nhập cảnh từ Anh về Hà Nội. Theo giới chuyên môn, điểm nguy hiểm nhất ở biến thể Omicron là virus mang 32 gien đột biến, khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta sẽ dễ tạo thành biến chủng khác.

Lo ngại từ ca nhiễm đầu tiên

Ngày 28-12, Bộ Y tế đã có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Theo đó, ngày 19-12-2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nam hành khách K.V.H.M, trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19-12), hành khách này có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng ở khu vực nhà lưu trú. Khoa sinh học phân tử của bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, cho kết quả dương tính.

1 San Sang Ung Pho Bien The Omicron

Hành khách nhập cảnh sân bay quốc tế Nội Bài được kiểm tra chặt chẽ về y tế. Ảnh: DƯƠNG NGỌC.

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh - nơi ghi nhận nhiều ca biến thể Omicron, ngày 20-12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả nghi ngờ nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, do biến thể Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21-12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân M. Kết quả xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) với 34 đột biến trên protein gai. Theo Bộ Y tế, đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.

Theo thông báo của Bộ Y tế, biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Cùng với đó, nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến thể Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cao hơn 3 lần so với biến thể Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến thể Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến thể Omicron cao hơn.

Không bị động trước biến thể mới

Với ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gien nhằm xác định biến thể Omicron.

Bộ Y tế cũng đặc biệt yêu cầu người dân hạn chế đi lại, khuyến cáo không tụ tập đông người, thực hiện 5K, đặc biệt dịp Giáng sinh, lễ, Tết… Các địa phương tăng cường tiêm chủng vắc-xin cho người dân, đặc biệt là đối tượng chưa hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn. Ngoài ra, triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng mức cảnh báo, nhất là trước nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam để không bị động, bất ngờ. Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ "4 tại chỗ"; tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để tiếp cận F0, tránh quá tải hệ thống y tế; tăng cường giám sát giải trình tự gien để phát hiện chủng virus; tăng cường kiểm dịch biên giới...

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 theo hướng chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi sang phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vắc-xin Covid-19.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dù biến thể Omicron hay các biến thể khác thì virus SARS-CoV-2 vẫn lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc gần và lây theo giọt bắn. Do vậy, thay vì lo lắng, cách tốt nhất mà người dân có thể làm là duy trì nguyên tắc 5K, bởi đây là mấu chốt để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Đồng thời, thực hiện tiêm đủ liều vắc-xin và tiêm các liều bổ sung hoặc liều nhắc lại như khuyến cáo của Bộ Y tế. "Vắc-xin không thể vô hiệu hóa hoàn toàn sự lây lan virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn có tác dụng giảm triệu chứng nặng, giảm tử vong khi mắc Covid-19" - ông Phu nói.

TP HCM vẫn chủ động ứng phó Omicron

Trước thông tin Việt Nam xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết thành phố vẫn sẽ tiếp tục thực hiện 8 thế trận ứng phó với biến chủng Omicron như kế hoạch của UBND đã ban hành.

Theo bà Mai, tại TP HCM, có 2 tổ chức tham gia giám sát biến thể Omicron, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur TP HCM. Tuy nhiên, hiện tại thành phố vẫn chưa ghi nhận báo cáo từ các đơn vị có ca bệnh người mắc Covid-19 với biến chủng Omicron nào.

Theo bà Mai, trong 8 thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron, có nhiều giải pháp như tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải, xét nghiệm, giải mã gien; triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19... Đặc biệt, có một bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị ca F0 nhập cảnh dương tính SARS-CoV-2, nghi mắc Omicron. Bệnh viện này có quy mô 4.000 giường, được chia thành 2 khu riêng biệt, gồm khu tiếp nhận người nghi nhiễm có yếu tố nguy cơ như người nhập cảnh, chờ kết quả giải trình tự gien; nếu xác định là chủng Omicron sẽ được đưa qua khu riêng để theo dõi, chăm sóc và điều trị.

Cùng với việc chuẩn bị lập một khu cách ly, điều trị riêng đối với biến thể Omicron, TP HCM còn triển khai các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cấp quận - huyện. Nhiều địa phương đã chủ động có những biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc thành lập các bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận thu dung, điều trị người mắc Covid-19 trên địa bàn.

Biến thể Omicron được Nam Phi báo cáo lần đầu đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-11 và được xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại, đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gien virus biến thể mới này. Theo nghiên cứu, biến thể Omicron có đến 60 đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu. Đáng chú ý là 32 đột biến về protein gai, là yếu tố kháng nguyên chính của các loại vắc-xin. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nghiên cứu, khảo sát đa trung tâm, đa quốc gia cho thấy các vắc-xin Covid-19 đang sử dụng vẫn có tác dụng phòng vệ với biến thể Omicron.

Ngọc Dung

Nguồn: nld.com.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày