Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong buổi đi học sáng 14-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Số lượng vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi về nhiều, kế hoạch tiêm ra sao?
Úc và Mỹ tài trợ trên 23 triệu liều vắc xin
Tin từ Bộ Y tế, ngày 22-3 bộ này đã làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam về việc hỗ trợ vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ ngay tuần thứ 2 của tháng 4, khi các thủ tục về kiểm định vắc xin hoàn tất.
Tại Việt Nam, hôm 1-3 vừa qua Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin Pfizer liều 10 mcg dành cho trẻ em (bằng 1/3 so với liều dành cho người lớn), nhưng vắc xin Moderna thì Việt Nam mới phê duyệt loại dành cho người lớn, chưa cấp phép loại dành cho trẻ em, nguồn tin từ Bộ Y tế cho hay trong tuần tới thủ tục này cũng sẽ hoàn tất với vắc xin Moderna trước khi vắc xin về Việt Nam.
Đây là loại vắc xin có hàm lượng kháng nguyên và dung lượng sử dụng cho mỗi liều tiêm đều bằng 1/2 so với liều dành cho người lớn.
Bên cạnh đó, nhu cầu vắc xin sử dụng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam theo tính toán bước đầu là 21,9 triệu liều, ngoài số Úc tài trợ 13,7 triệu liều, nguồn tin từ Bộ Y tế cũng cho biết phía Mỹ đã chấp thuận tài trợ 10 triệu liều Pfizer. Từ hai nguồn tài trợ này hoàn toàn đủ nhu cầu tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi.
Tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi, từ tháng 4 sẽ tiêm cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tổ chức tiêm ra sao?
Về tổ chức tiêm chủng, theo Bộ Y tế, sẽ triển khai tiêm từ lứa tuổi lớn nhất trong nhóm này (học sinh lớp 6) trước để theo dõi, đánh giá, kế đó sẽ hạ dần độ tuổi. Đồng thời đợt tiêm cũng được tiến hành tại trường học như tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi trước đây theo hình thức tiêm cuốn chiếu toàn bộ học sinh trong độ tuổi của trường rồi mới chuyển sang trường khác, tiêm tại các địa bàn dễ tiếp cận trước các địa bàn vùng sâu vùng xa để nhanh chóng phủ vắc xin cho các cháu đến trường an toàn.
Cũng có những ý kiến cho rằng "vắc xin Pfizer được dùng nhiều cho trẻ em hơn là Moderna, liệu Việt Nam tiêm Moderna có lo ngại không?". Một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết nhiều nước châu Âu sử dụng Moderna tiêm chủng cho trẻ em, hiện số lượng các nước đã tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi cũng đã lên đến hàng chục quốc gia/vùng lãnh thổ, có những quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiêm cho trên 40% số trẻ trong độ tuổi hoặc tỉ lệ cao hơn nữa.
Kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM và Hà Nội từ nguồn của Chính phủ Úc đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam vắc xin Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ - Tổng hợp: X.MAI - Đồ họa: N..KH.
Tiêm chủng có tránh được Omicron, giảm chuyển nặng?
Trả lời về hiệu quả vắc xin COVID-19 hiện nay trong phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó có nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi chuẩn bị được tiêm vắc xin, TS Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: theo báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc COVID-19 do chủng Omicron ở trẻ 5 - 11 tuổi, đồng thời giảm 45 - 51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5 - 15 tuổi.
Bà Huyền cho hay báo cáo này cũng cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin phòng COVID-19 gây ra các vấn đề lâu dài về khả năng sinh sản ở nữ hoặc nam giới.
Về ý kiến trẻ em sức đề kháng rất cao, trẻ nhiễm COVID-19 sau khoảng 24 - 48 giờ là có thể hết sốt và cơ thể bình thường (tương tự như biểu hiện người lớn khi tiêm vắc xin), cơ thể tự sinh đề kháng rất tốt, vậy tại sao lại phải tiêm vắc xin?
Bà Huyền cho rằng đa số trẻ em mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Sau khi mắc, trẻ cũng có kháng thể phòng nhiễm virus.
"Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, mọi người nên tiêm vắc xin ngay cả khi đã mắc COVID-19. Hiện không có xét nghiệm nào có thể xác định một cách đáng tin cậy một người có được bảo vệ sau khi bị nhiễm virus gây ra COVID-19 hay không.
Tiêm vắc xin sau khi khỏi bệnh COVID-19 giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho hệ thống miễn dịch. Những người đã mắc COVID-19 và không tiêm phòng sau khi hồi phục có nhiều khả năng bị tái mắc hơn những người được tiêm phòng sau khi khỏi bệnh" - bà Huyền trích dẫn nghiên cứu, cho biết.
Vì lý do này, bà Huyền khuyến cáo những người đã mắc bệnh, bao gồm trẻ em, cũng cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 (sau khi mắc và khỏi COVID-19) để phòng tái nhiễm và các biến chứng của bệnh.
Tập huấn thật kỹ
Dự kiến ngày 31-3, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai tập huấn trước khi tiến hành tiêm chủng cho trẻ em. Mặc dù đến nay Việt Nam đã tiêm trên 203 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19 nhưng lý do vì sao phải tập huấn lại?
Theo một chuyên gia, nhóm trẻ em này có những đặc trưng khác với những nhóm đã tiêm chủng trước đó do nhiều trẻ nhỏ, nhất là nhóm từ lớp 3 trở xuống sẽ ít biết báo cho cha mẹ, người chăm sóc nếu có biểu hiện bất thường, vì vậy cần hướng dẫn thêm về theo dõi sau tiêm cho trẻ,
Về mức độ an toàn của vắc xin, các hướng dẫn chung cho biết vắc xin nào cũng có một tỉ lệ phản ứng nhất định, nhưng ở vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em, phản ứng gây lo ngại là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim qua khảo sát tại các nước đã sử dụng, chuyên gia cho thấy ít gặp ở trẻ nhóm tuổi 5 đến dưới 12 hơn so với lứa tuổi lớn hơn.
Cha mẹ cần biết khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng và sau tiêm chủng, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2...
Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có như sốc phản vệ. Theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Cũng nên luôn có người bên cạnh trẻ 24/24 giờ trong 3 ngày đầu. Theo dõi nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bù điện giải Oresol. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, hoặc thấy một trong những dấu hiệu sau thì cần liên hệ ngay với cấp cứu hoặc đến thẳng bệnh viện:
1. Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
2. Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
3. Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
4. Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
5. Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
6. Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
7. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
8. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;
9. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;
10. Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
TP.HCM và Hà Nội đã sẵn sàng
TP.HCM có gần 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến tiêm vắc xin phòng COVID-19 và Hà Nội có khoảng 1 triệu bé tương tự đang được đưa vào kế hoạch sẵn sàng tiêm.
Chiều 27-3, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở Y tế TP.HCM đã sẵn sàng kế hoạch tham mưu cho UBND TP về số lượng trẻ, số lượng đội tiêm, tập huấn... để tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ hạn chế được tình trạng trở nặng nếu không may trẻ nhiễm phải - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đợi Bộ Y tế phát lệnh
Mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng. Hiện TP.HCM chỉ đợi Bộ Y tế "phát lệnh" và cấp vắc xin, TP.HCM sẽ tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến TP.HCM có 898.537 trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 885.730 trẻ đi học - danh sách do Sở Giáo dục và đào tạo cung cấp và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội, chưa đi học - danh sách do Sở Lao động, thương binh và xã hội cung cấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ dựa trên chủ trương chung của Bộ Y tế.
Theo bà Hồng Nga, đợt tiêm vắc xin này chủ yếu vẫn được tổ chức như đợt tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trước đó, vẫn do sở y tế, sở giáo dục và đào tạo phối hợp tổ chức, có điều công tác tiêm vắc xin được chuẩn bị "kỹ lưỡng" hơn vì tiêm cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn, lại là vắc xin mới. Vì vậy, tốc độ tiêm dự kiến sẽ chậm hơn khoảng 50 trẻ/buổi, thời gian tiêm cũng sẽ kéo dài hơn, có thể trong vòng 1 tháng.
Trong những ngày qua, TP.HCM đã huy động các nhân viên của các bệnh viện đa khoa, các bệnh viện, phòng khám có khám bệnh nhi... để được tập huấn, đi tiêm vắc xin cho trẻ. TP.HCM đã tập huấn cho hàng ngàn nhân viên y tế tham gia trong đợt tiêm sắp tới, hiện vẫn đang tiếp tục tập huấn cho những nhân viên y tế được "bổ sung" đi tiêm.
Theo kế hoạch chung trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường, riêng trẻ 5 tuổi được tiêm ở trường mầm non nếu trường này đủ điều kiện tổ chức tiêm, còn trẻ không đi học sẽ tiêm ở trạm y tế hoặc điểm tiêm do UBND sắp xếp.
Một số quận huyện tại TP.HCM cho biết công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đều đã được chuẩn bị, sẵn sàng. Các quận huyện này cũng chờ kế hoạch của TP để xây dựng kế hoạch và tiến hành tiêm.
Chỉ tiêm khi phụ huynh đồng ý
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-3, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết TP đã chuẩn bị sẵn sàng công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin, TP sẽ tổ chức tiêm thí điểm, sau đó mở rộng tiêm đại trà cho trẻ. Theo đó, địa điểm tiêm được tổ chức tại các trường học và trẻ chỉ được tiêm khi phụ huynh đồng ý.
Bà Mai cho biết thêm do trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có cơ địa khác với người lớn nên việc tập huấn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu thăm khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, cũng như những hướng dẫn xử lý khi trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm... Sở Y tế TP đã đề nghị ba bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP cử các bác sĩ, chuyên gia giỏi cùng Trung tâm cấp cứu 115 để xử lý các trường hợp trẻ gặp sự cố trong quá trình tiêm vắc xin.
Từ thời điểm học sinh tại TP.HCM đến trường học trực tiếp cũng là lúc số ca nhiễm ở trẻ tăng cao, trong đó học sinh khối THPT chiếm tỉ lệ nhiễm cao nhất (chiếm 8,9%), khối tiểu học là 6,6%. Đỉnh điểm trong tuần lễ (từ ngày 8 đến 14-3), các trường học ghi nhận có 44.118 ca, trong đó 39.920 là học sinh, số còn lại là giáo viên.
Thời gian qua, tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP đã tiếp nhận rất đông trẻ có dấu hiệu nghi ngờ hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh tại nhà dương tính đến thăm khám. Hiện các bệnh viện đang điều trị hơn 400 trẻ dưới 16 tuổi nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 80 trẻ nặng đang thở máy, 3 trẻ can thiệp ECMO.
Không lo về nhân lực tiêm vắc xin
Về kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ông Trương Quang Việt, giám đốc CDC Hà Nội, cho biết thành phố đã khảo sát, lấy thông tin dữ liệu để lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.
Ông Việt cho biết: "Theo thống kê, hiện thành phố có khoảng 1 triệu trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó có khoảng 30 - 40% trẻ gia đình không đồng ý tiêm và vừa nhiễm COVID-19. Còn lại khoảng 60 - 70% trẻ được cha mẹ đồng ý cho tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Về nguồn lực, cán bộ y tế chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ, Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể. Với kinh nghiệm tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, về nguồn lực nhân sự không phải là khó khăn. Trong đợt 1, dự kiến tiêm cho khoảng 500.000 - 600.000 trẻ nếu được phân bổ đủ vắc xin".
Giám đốc CDC Hà Nội cho biết thêm đơn vị đã tìm hiểu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ ở các nước trên thế giới. "Theo ghi nhận từ các quốc gia đã triển khai, tỉ lệ phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ khi trẻ tiêm vắc xin này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng. Bởi vậy, cha mẹ có thể yên tâm cho con tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi Bộ Y tế chính thức triển khai", ông Việt khuyến cáo. Dương Liễu
Dữ liệu trẻ cần tiêm đã được đưa lên hệ thống
Theo kết quả khảo sát về tỉ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn TP.HCM thì phía mầm non chiếm 60,49%, bậc tiểu học là 81,19%, khối trung học cơ sở (lớp 6) chiếm 87,68%. Hiện nay, thông tin của trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc xin COVID-19 được các cơ sở giáo dục nhập liệu lên
hệ thống.
Ông Trịnh Duy Trọng - trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết việc tiêm vắc xin COVID-19 và học tập trực tiếp là 2 hoạt động tương đối độc lập. Do đó, trẻ chưa tiêm vẫn có thể đến trường, không bị hạn chế học tập cũng như tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Những em này sẽ được nhà trường chăm lo, quan tâm, có biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI
Chưa đồng ý tiêm, phụ huynh nói gì?
Chị P.H.T. (40 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM), có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận, cho biết chị cũng nghe thông tin sắp tới TP.HCM tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, con chị mới bị COVID-19 nên mấy ngày trước lớp của con chị có thông báo phụ huynh nào đồng ý cho con tiêm vắc xin thì nhắn cho giáo viên, gửi mã định danh của học sinh, chị không đăng ký cho con tiêm do con F0.
Tương tự, chị N.P.T. (36 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) cũng cho biết hai con chị đang học một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh nhưng cả hai cháu mới là F0 nên chị cũng không đăng ký cho con tiêm trong đợt này.
Tuy nhiên cũng có không ít phụ huynh "mong đợi" con họ được tiêm vắc xin. Theo những phụ huynh này, khi con được tiêm ngừa vắc xin thì cha mẹ vẫn cảm thấy yên tâm hơn.
Hay tin đầu tháng 4 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm vắc xin COVID-19, chị Thanh Nga (ngụ quận Gò Vấp) vui mừng vì đây là điều gia đình chị mong muốn bao lâu đã sắp thành hiện thực. Chị Nga chia sẻ ngày nào hai đứa con (đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ học lớp 3) đi học về cũng kể trong lớp, hay lớp bên cạnh có bạn nghỉ học vì xét nghiệm nhanh dương tính.
"Hai đứa con tôi thì chưa nhiễm nhưng đi đến lớp, đến trường mà quá nhiều bạn nhiễm COVID-19 thì tôi rất lo. Có vắc xin tiêm cho trẻ rồi, con đi học mình cũng an tâm lắm", chị Nga nói.
Chị Trương Thị Huệ (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Con tôi năm nay 7 tuổi, vừa qua cô giáo chủ nhiệm có lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho con. Hiện tôi chưa đồng ý cho con tiêm. Trong lớp có 53 học sinh thì có đến 40 phụ huynh chưa đồng ý tiêm chủng cho con".
Lý giải về nguyên nhân chưa muốn cho con tiêm vắc xin, chị Huệ cho biết: "Tôi không lo lắng về chất lượng vắc xin hay sốc phản vệ, nhưng lo ngại sau này bé sẽ bị ảnh hưởng đến giới tính hay sinh sản. Con tôi lại là con gái nên tôi vẫn đang cân nhắc. Con tôi cũng mới mắc COVID-19, bé không có triệu chứng nhiều, chỉ hơi sốt và đi ngoài, sau 3 hôm là hết triệu chứng. Bởi vậy, nếu con trở lại trường mà chưa được tiêm vắc xin tôi cũng không quá lo ngại".
T.DƯƠNG - X.MAI - D.LIỄU
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC