Ba bị can bị khởi tố (từ trái qua): Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích - Ảnh tư liệu: BCA
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ba bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online ngày 24-2 xác nhận thông tin trên.
Giá trị ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt được xác định tăng
Theo kết quả điều tra bổ sung, tổng giá trị các khu đất mà ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái bị cáo buộc chiếm đoạt được xác định lên tới hơn 1.048 tỉ đồng, tăng hơn 280 tỉ đồng so với kết luận điều tra ban đầu (xác định giá trị chỉ là hơn 767 tỉ đồng).
Lý do vì hai dự án bất động sản Minh Thành và Chơn Thành (tỉnh Đồng Nai) mà bà Đặng Thị Kim Oanh - giám đốc Công ty địa ốc Kim Oanh - tố cáo bị cha con ông Thanh chiếm đoạt được xác định tăng giá trị.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Quí Thanh và đồng phạm đã thực hiện bốn hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" trong thời gian từ tháng 1-2019 đến tháng 11-2020. Tổng cộng có bốn bị hại gồm: bà Đặng Thị Kim Oanh với hai dự án bất động sản Minh Thành và Chơn Thành, ông Nguyễn Văn Chung với 29 thửa đất, ông Lâm Sơn Hoàng với 4 thửa đất và ông Nguyễn Huy Đông với 2 thửa đất.
Cơ quan điều tra đã điều tra bổ sung các nội dung như tình trạng pháp lý của dự án bất động sản Nhơn Thành (Đồng Nai), số tiền chuyển giữa bà Trần Uyên Phương và một cá nhân liên quan dự án Minh Thành để xác định giá trị chiếm đoạt, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị can, đưa biên bản họp của hội đồng định giá tài sản vào hồ sơ vụ án…
Trong 4 bị hại, bà Đặng Thị Kim Oanh được xác định số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất, lên tới hơn 880 tỉ đồng. Trong đó, giá trị bị chiếm đoạt tại dự án bất động sản Minh Thành là hơn 427 tỉ đồng, tại dự án Nhơn Thành là hơn 453 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung bị chiếm đoạt hơn 48 tỉ đồng. Ông Lâm Sơn Hoàng bị chiếm đoạt hơn 80 tỉ đồng. Ông Nguyễn Huy Đông bị chiếm đoạt gần 39 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ba bị can từ tháng 4-2023 - Ảnh tư liệu: TUẤN DUY
Ông Trần Quí Thanh "chưa thành khẩn khai báo"
Theo kết quả điều tra, sau gần một năm bị khởi tố (từ tháng 4-2023), tại cơ quan điều tra thì cả ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đều được nhận định là "vẫn ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân".
Đối với ông Trần Quí Thanh (71 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Tân Hiệp Phát, trụ sở chính tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), kết luận điều tra nhận định ông phạm tội nhiều lần với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Đối với bị can Trần Uyên Phương, 43 tuổi, con gái ông Thanh, là phó giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, tại cơ quan điều tra bà Phương không thừa nhận giúp ông Thanh cho vay tiền, chỉ thừa nhận là quan hệ mua bán bất động sản. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định bà Phương đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội.
Đối với bị can Trần Ngọc Bích, 40 tuổi, con gái ông Thanh, nguyên giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, tại cơ quan điều tra bà Bích cũng không thừa nhận giúp ông Thanh cho vay tiền, chỉ thừa nhận là mua bán cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận bà Bích cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" với vai trò giúp sức.
Kết luận điều tra cho rằng bà Phương, bà Bích có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tham gia điều hành doanh nghiệp có đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, vi phạm do thực hiện chỉ đạo của cha đẻ… nên cần được xem xét khi lượng hình.
Hiện ông Thanh, bà Phương bị tạm giam, còn bà Bích bị khởi tố nhưng cho áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ông Trần Quí Thanh cho vay bằng hợp đồng giả cách để chiếm đoạt bất động sản
Theo kết luận điều tra, ông Trần Quí Thanh và hai con gái đã cho vay lấy lãi nhưng không làm hợp đồng vay cầm cố tài sản mà buộc doanh nghiệp, cá nhân vay tiền làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án hoặc chuyển nhượng bất động sản với giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản.
Bên vay và bên cho vay ký các "cam kết bán lại". Nhưng khi bên vay trả nợ thì bên cho vay lại đưa ra các lý do bất hợp lý để từ chối, cho rằng chủ tài sản vi phạm điều khoản hợp đồng nên bị mất quyền mua lại tài sản, không trả lại tài sản…
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC