Nhiều bạn trẻ ghiền đánh bài, đánh bài thâu đêm - Ảnh minh họa: YẾN TRINH
Vào công ty… đánh bài giải trí
Mỗi mùa Tết về quê, chị Trần Thị Ngọc Châu (26 tuổi, quê Kiên Giang) cùng nhóm bạn cũ khoảng 10 người gặp nhau cà phê, và không lúc nào thiếu… bộ bài. Châu kể Tết nhóm gặp nhau mỗi tối từ 28 tháng chạp đến mùng 3 Tết với mục đích đánh bài.
"Chúng tôi đánh bài ăn tiền nhưng ít thôi, mỗi ván 5.000 - 10.000 đồng trở lại. Tết mà, gặp nhau có bài bạc chút mới vui", Châu nói. Song, Châu thừa nhận trở lại thành phố sau Tết, chị chưa thôi quên cảm giác muốn đánh bài.
Ngày đầu đi làm, chị mua bài và đợi nghỉ trưa tụ tập một vài đồng nghiệp… mở sòng tại công ty. Tan làm hôm đó, chị gặp nhóm bạn khác để chơi bài.
"Tết năm nào cũng chơi rồi sau Tết còn dư âm nên tôi với mấy người bạn hay gặp nhau chơi thêm mấy bữa nữa, khi nào bận chạy deadline mới nghỉ. Không biết có gọi là nghiện hay không nhưng tôi xem đây là cách giải trí đầu năm khi chưa có nhiều việc để làm", chị cho biết.
Chị Hồng Thảo (30 tuổi, nhân viên truyền thông tại quận Tân Bình, TP.HCM) nói ban đầu chỉ chơi bài chơi vui. Chị kể: "Lúc đầu tôi chơi theo kiểu ghi điểm, ai thua nhiều sẽ mời nhóm cà phê, ăn sáng. Chơi nhiều thấy vui và muốn gỡ gạc, chúng tôi chuyển sang ăn tiền".
Ban đầu chỉ 5.000 đồng, 10.000 đồng, sau đó nhóm lên 20.000 đồng, 50.000 đồng. Địa điểm thường là phòng họp nhỏ của công ty giờ nghỉ trưa. Hoặc khi hẹn đến căn hộ của một người trong nhóm, ăn uống xong là đánh bài.
Không chỉ tại quán xá, công ty, một số bạn còn mê đánh bài khi du lịch. Tuấn Anh (thợ chụp ảnh, ngụ quận Phú Nhuận) có một nhóm bạn cứ cách hai, ba tháng sẽ đi du lịch những địa điểm không quá xa TP.HCM. Sau khi ăn uống và tham quan, nhóm thường chọn về khách sạn để chơi bài.
Tương tự, chị Hồng Thảo cho biết nếu đi chơi xa, chị thường dành buổi tối tới sáng để chơi bài. Hậu quả, cả chuyến đi chị lơ mơ vì thiếu ngủ, về lại thành phố cảm thấy uể oải.
Dù lý do gì, cờ bạc luôn không đem lại điều tốt đẹp
Thạc sĩ Lê Minh Huân - giảng viên tâm lý học, giám đốc Công ty TNHH ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên - nhận định người có xu hướng nghiện cờ bạc hoặc thích giải trí bằng đánh bạc không chỉ đợi Tết mới chơi, mà thực tế hành vi lặp đi lặp lại thường xuyên.
Tuy nhiên, thường trước và sau, đặc biệt trong Tết người ta có xu hướng đánh bài bạc nhiều hơn. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến nhiều người vịn vào quan điểm tháng giêng là tháng ăn chơi, cho rằng tháng này không cần lao động nhiều, là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, tụ họp hoặc có bài bạc cũng là bình thường.
Thứ hai, tận dụng dịp trong và sau Tết có nhiều thời gian gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, người thân nên tranh thủ lôi kéo nhau đánh bài như một cái cớ là chuyện dễ hiểu. Thứ ba, gần như người ta nghĩ rằng thời điểm đánh bài "ổn nhất" là Tết, bởi lúc này đa phần mọi người trong tâm thế rảnh rang, thoải mái và ít bị quản thúc.
"Điều này ăn sâu vào tiềm thức và được thực hiện như một thói quen dịp Tết. Từ đó, nhiều người trẻ sẽ thấy bản thân có thể hợp lý hóa việc đánh bài mà không sợ bị trách mắng", anh Huân nói. Anh cho biết việc thể hiện vai trò giáo dục của người lớn ở thời điểm này trở nên lỏng lẻo hơn vì ai cũng nghĩ "Tết nhất đánh một chút không sao".
Bài bạc xuyên suốt Tết, người chơi dễ bị cuốn vào, kích thích "máu" cờ bạc, thắng thua và cầu may. Thắng muốn thắng nữa, thua thì muốn gỡ gạc nên các buổi tụ họp sẽ còn tiếp tục diễn tiến nếu không có tác nhân đủ mạnh ngăn cản.
Chính vì thế, anh Minh Huân cũng nhấn mạnh rằng nếu vẫn lấn sâu vào sẽ tạo ra các tiền lệ xấu, có thể tiền mất tật mang, ảnh hưởng mối quan hệ xung quanh.
Ngoài ra, người chơi không quản lý được cảm xúc và hành vi bản thân sẽ khó tập trung khi quay lại làm việc sau Tết, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đời sống gia đình, môi trường làm việc...
Đôi khi, một số người trong cuộc mong muốn dừng lại nhưng chưa đủ mạnh mẽ để "cầm cương" chính mình. Lúc này, người có vai trò hoặc có sức ảnh hưởng tới "con bạc" nên khéo léo và quyết đoán trong việc giúp đỡ họ thoát ra.
"Bản thân người chơi phải đủ tỉnh táo nhận ra mình đi sai đường để rút ra bài học và dừng lại. Chủ động cắt liên lạc với người hay dụ dỗ, lôi kéo bằng nhiều cách, có thể nhờ người khác kéo mình ra khỏi bẫy cờ bạc. Ngoài ra, có thể nhờ người quen giữ hộ tiền, tài sản... để tránh bản thân "táy máy tay chân" lúc nổi cơn nghiện bài bạc", thạc sĩ Minh Huân chia sẻ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC