Chiều 23/12, TAND Hà Nội tiếp tục thẩm vấn 10 bị cáo trong vụ án cấp 431 văn bằng, giấy chứng nhận giả xảy ra tại Đại học Đông Đô.
Trả lời hội đồng xét xử (HĐXX), 10 bị cáo, trong đó có cựu Hiệu trưởng Dương Văn Hoà và 2 cựu Phó Hiệu trưởng Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà đều thừa nhận họ bị truy tố tội danh "Giả mạo trong công tác" là đúng và không thắc mắc gì.
Trong buổi thẩm vấn, HĐXX tập trung làm rõ chuyện ăn chia từ việc cấp bằng giả, giấy chứng nhận giả do Trần Khắc Hùng chủ mưu.
Các bị cáo trong phiên xét xử.
Bị cáo Trần Kim Oanh khai, ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT (đã bỏ trốn) đặt quy định, mỗi nhân viên của trường phải “môi giới, lôi kéo” về cho trường ít nhất 4-10 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2 tiếng Anh mỗi năm. Điều này được quy định cụ thể trong các văn bản của trường, ban hành công khai.
Với mỗi hồ sơ “kéo về” cho trường, nhân viên được chia ít nhất 7 triệu đồng, tuỳ theo số tiền học phí mà học viên nộp. “Đây được gọi là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn”, bà Oanh giải thích về số tiền 48 triệu đồng hưởng lợi bất chính.
Bị cáo Lê Ngọc Hà thừa nhận hưởng lợi 100 triệu đồng, là tiền thưởng do “môi giới” được nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, bị cáo không nhớ số người mình đã môi giới.
Theo lệ, bị cáo Hà thu của mỗi học viên 29 - 35 triệu đồng để giao bằng. Tổng số tiền “học phí” Hà nhận từ họ là 1,8 tỷ đồng. Hà nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường.
“Sau khi có lời xì xào về việc trường làm bằng giả, một số học viên đòi lại tiền, nên bị cáo phải trả lại họ 900 triệu đồng, còn giữ lại 100 triệu đồng”, Lê Ngọc Hà nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài vụ cho biết, số tiền học viên nộp vào trường để mua bằng giả không được đánh dấu hay mã hoá riêng trong các tài liệu thu chi của trường. Học phí có thể được nộp ngay khi đăng ký hoặc trước khi lấy bằng, “nhưng chưa nộp tiền thì chưa được nhận bằng”.
Cùng thừa nhận trường có quy định công khai về việc trích thưởng cho nhân viên với mỗi hồ sơ “môi giới” trót lọt như lời bà Oanh khai, bị cáo Huệ nói bà không nắm cụ thể mỗi người đã được chia bao nhiêu tiền. Riêng bị cáo được hưởng lợi 65 triệu đồng.
Người được hưởng lợi nhiều nhất trong vụ án là Trần Ngọc Quang, cựu Phó trưởng Phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên, với số tiền 830 triệu đồng.
Ngoài các bị cáo trên, Viện Kiểm sát cũng cáo buộc hai nhân viên Viện 4.0, Viện Đào tạo liên tục của Đại học Đông Đô hưởng lợi tổng cộng 18 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng và 10 đồng phạm đã làm, cấp bằng giả, giấy chứng nhận giả cho 431 người, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.
Ngày mai, toà tiếp tục làm việc.
MINH TUỆ
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC