Tại hội thảo về vấn đề an sinh xã hội ngày 29/6 ở Hà Nội, ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đánh giá dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, số người cao tuổi sẽ tăng trong những thập kỷ tới, chiếm tỷ lệ lớn.
Thống kê năm 2021 Việt Nam có hơn 8 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 8,3% dân số và dự kiến năm 2036 sẽ lên 15,5 triệu người, chiếm 14,1%.
Già hóa nhanh đặt áp lực lớn lên thế hệ lao động trẻ hơn mà chuyên gia gọi là “bánh mì kẹp”. Thuật ngữ này chỉ những lao động tuổi trung niên (40-50 tuổi), vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già vừa nuôi con và lo cho chính mình.
Các cụ già làng Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, làm cốm. Ảnh: Ngọc Thành
Do gánh nhiều trọng trách, thế hệ “bánh mì kẹp” sẽ khó đảm bảo năng suất lao động, mất đi cơ hội thăng tiến, tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già. Và vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại – trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, bệnh tật. Đất nước chịu áp lực lớn về chi phí y tế, an sinh xã hội.
“Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về an sinh xã hội, nâng diện bao phủ BHXH thì tương lai có tỷ lệ lớn người cao tuổi không được hưởng bất cứ chế độ hưu trí nào, đặt gánh nặng lên vai con cái họ”, ông Andre Gama khuyến cáo.
Để giải phóng cho nhóm lao động tuổi trung niên khỏi áp lực phụng dưỡng cha mẹ già, đảm bảo năng suất lao động của xã hội, theo ông Andre Gama, nhà nước cần giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội so với 80 tuổi hiện hành, địa phương tùy vào điều kiện mà nâng trợ cấp để tăng bao phủ an sinh. Tỷ lệ chi 0,15% GDP cho trợ cấp xã hội năm 2020 của Việt Nam được đánh giá rất thấp so với các nước.
Ông Nuno Cunha, chuyên gia an sinh xã hội ILO, cho rằng cơ quan chuyên môn cần thiết kế chính sách khoa học để thu hút lao động tham gia BHXH. Hệ thống càng minh bạch thông tin càng tốt; đặc biệt là khâu quản lý dữ liệu, có mã số định danh của một người để biết họ đóng thuế, tham gia BHXH thế nào…
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra BHXH tự nguyện không thể bao phủ an sinh xã hội nên BHXH bắt buộc vẫn là chìa khóa để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động khi dân số chuyển sang già hóa; đầu tư cho lao động trẻ để cạnh tranh với nền kinh tế khác.
Việt Nam hiện còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng hưu trí hay trợ cấp xã hội. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC