Cô Trần (Đài Loan) ngoài 30 tuổi, từng điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) khoảng 3 tuần. Cô cho rằng kể từ khi cầm giấy xét nghiệm HP âm tính nghĩa là mình đã an toàn, nhưng sự thật không phải vậy.
Theo lời cô kể lại, thời gian gần đây cô thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn và chán ăn. Lúc đầu cô thấy không quá nghiêm trọng nên không kể với ai. Đến khi phát hiện người nhà cũng có triệu chứng tương tự khá lâu thì mới bắt đầu lo lắng. Cô Trần quyết định đi khám sau một lần vô tình nhìn thấy máu trong phân khi đại tiện, Kết quả, một lần nữa cô được chẩn đoán mắc vi khuẩn HP.
Lần này nghiêm trọng hơn, cô đã bị viêm loét dạ dày do phát hiện muộn và từng có tiền sử mắc bệnh này trước đây. Bác sĩ Tiêu hóa và Gan mật Kang Benchu (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, cô cần điều trị ngay trước khi bệnh tiến triển nặng và hình thành ung thư dạ dày.
Trong quá trình thăm khám, ông phát hiện nguyên nhân tái nhiễm vi khuẩn HP ở cô Trần là từ thói quen ăn lẩu của gia đình. “Bệnh nhân cho biết, thời gian đầu sau khi chữa bệnh lần một, cô ấy rất cẩn thận, không dùng chung bát đũa với người nhà. Tuy nhiên thời gian lâu dần cô ấy cũng quên, nghĩ rằng xét nghiệm đã âm tính nên không có vấn đề. Vì vậy, gia đình họ thường ăn lẩu cùng nhau, dùng chung đũa thìa và gắp trực tiếp thức ăn từ trong nồi lẩu. Điều này dẫn đến lây lan vi khuẩn giữa các thành viên trong gia đình và gây ra nhiễm trùng lặp đi lặp lại cho bệnh nhân” - bác sĩ Kang nói.
Ông cũng giải thích thêm rằng, vi khuẩn HP không biến mất hoàn toàn sau một lần điều trị và có thể tái nhiễm từ người khác hoặc từ môi trường. Chúng có thể tồn tại trong nước bọt và phân nên việc dùng chung đũa, thìa hoặc không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh đều là con đường lây nhiễm lý tưởng.
Theo lời khuyến nghị của ông, những thành viên khác trong gia đình cô Trần lần lượt tới bệnh viện xét nghiệm HP. Kết quả, 4 người khác đều nhiễm và phải điều trị loại vi khuẩn được mệnh danh là “sát thủ gây ung thư dạ dày” này.
Lý do vi khuẩn HP được gọi là “sát thủ gây ung thư dạ dày”
Theo bác sĩ Kang, nhiễm vi khuẩn HP được coi là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày. Các thống kê ước tính rằng khoảng 60 - 80% trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến loại vi khuẩn này. Vì vậy nó được mệnh danh là “sát thủ gây ung thư dạ dày”.
Về quá trình gây bệnh, ông giải thích: “Vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày chủ yếu thông qua việc gây viêm mãn tính niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm kéo dài làm hỏng các tế bào niêm mạc, dẫn đến sự phát triển của các tế bào bất thường. HP cũng sản xuất các chất độc hại, làm thay đổi môi trường dạ dày và tăng nguy cơ hình thành loét, từ đó có thể tiến triển thành ung thư. Ngoài ra, nhiễm HP có thể gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và kích thích phản ứng miễn dịch tự miễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của bệnh ung thư”.
Bác sĩ Kang cũng nhắc nhở các dấu hiệu thường gặp khi nhiễm khuẩn HP bao gồm: đau bụng dai dẳng, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa, khó tiêu, trào ngược axit dạ dày, đại tiện có máu. Ngoài gây viêm loét và ung thư dạ dày, vi khuẩn này còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn tự miễn, bệnh lý gan thận.
Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm khi dùng chung dụng cụ ăn uống, nên cẩn trọng (Ảnh minh họa)
Ông nhắc nhở chúng ta nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đặc biệt là nếu có tiền sử gia đình từng nhiễm HP hoặc từng ung thư dạ dày thì cần xét nghiệm HP định kỳ. Đồng thời nên cảnh giác với các con đường lây nhiễm, không dùng chung dụng cụ ăn uống, chú ý vệ sinh môi trường sống hàng ngày.
Theo Ngọc Ái
Phụ Nữ Mới
© 2024 | Thời báo ĐỨC