Ngân hàng Việt phải báo cáo khẩn tình hình giao dịch với thị trường Nga

Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số ngân hàng báo cáo tình hình hợp tác với thị trường Nga, tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với xử lý giao dịch cho khách hàng và đề xuất biện pháp tháo gỡ.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng thương mại liên quan đến tình hình quan hệ với Nga trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức hiện đang có liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.

Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

1 Ngan Hang Viet Phai Bao Cao Khan Tinh Hinh Giao Dich Voi Thi Truong Nga

Việc Mỹ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động (Ảnh: Mạnh Quân).

Để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số ngân hàng báo cáo về tình hình hợp tác với thị trường Nga về quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác, khó khăn, vướng mắc… Đồng thời, báo cáo các tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng, đặc biệt về tình hình công nợ hai chiều; đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền với thị trường Nga trong thời gian tới, trước ngày 4/3.

Mới đây, EU tuyên bố loại 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các ngân hàng này gồm VTB, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Bank Rossiya, Sovcombank và VEB. Các ngân hàng trong danh sách trừng phạt có thời hạn 10 ngày để chấm dứt các hoạt động trong SWIFT.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế cho điện tín và hiện đã hơn 11.000 định chế tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Hiện nay, không có giải pháp thanh toán nào khác thay thế SWIFT trên phạm vi toàn cầu, nên SWIFT được coi là huyết mạch của nền tài chính thế giới. Dù tuyên bố là một cơ chế trung lập, nhưng SWIFT vẫn phải tuân thủ các quy định của EU.

Khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT. Theo số liệu của Financial Times, Nga chiếm khoảng 1,5% giao dịch của SWIFT trong năm 2020.

Khi bị loại khỏi SWIFT, các định chế tài chính của Nga gần như không thể chuyển tiền ra hoặc vào quốc gia này, kéo theo cú sốc đối với các doanh nghiệp Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt là các khách hàng nhập khẩu dầu và khí đốt Nga bằng đồng USD.

Ở chiều ngược lại, việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT cũng gây thiệt hại không nhỏ đối với EU do phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ, khí đốt của Nga. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Khoảng 70% xuất khẩu khí đốt của Nga và một nửa xuất khẩu dầu của nước này là sang châu Âu. Đó là lý do EU rất cân nhắc khi dùng đến “lựa chọn cuối cùng” này và thận trọng khi chọn ngân hàng đưa vào danh sách trừng phạt.

Nguồn: Dantri


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày