Đây là số liệu được Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022.
Trước đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối của Việt Nam khoảng 18,1 tỷ USD trong năm 2021. Xếp thứ 3 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.
Cụ thể, WB cho biết, không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay.
"Nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khoá, chương trình hỗ trợ việc làm cùng quyết tâm giúp đỡ gia đình của những người di cư nên lượng kiều hối tăng đáng kể trong năm 2021", ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của WB lý giải.
Như vậy, con số mà Vụ Quản lý Ngoại hối công bố thấp hơn gần 5,6 tỷ USD so với mức 18,1 tỷ USD mà WB và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư ước tính.
Chia sẻ về mức chênh lệch với biên độ rộng như trên, đại diện của Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng, con số do WB đưa ra chỉ là ước tính và luôn có sự chênh lệch đáng kể với số liệu thống kê chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, mức 12,5 tỷ USD do Ngân hàng Nhà nước thống kê được Vụ Quản lý ngoại hối cho là "chính xác" thông qua các đơn chuyển tiền có thông tin tên, tuổi, số tiền... qua tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và bưu điện. Đồng thời, lượng kiều hối đổ về hàng năm đều có tác động tới tỷ giá trong nước vì đây là nguồn cung rất quan trọng, ảnh hưởng tới ổn định thị trường ngoại hối và lượng dự trữ ngoại hối.
Khi được hỏi về việc lượng kiều hối này có được đưa ra sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hay không, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết, đây là quyền của người nhận tiền và cơ quan quản lý không thể thống kê lượng kiều hối này được dùng để làm gì.
“Người nhận tiền có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, nhưng để đánh giá chung thì dòng kiều hối này năm vừa qua cũng có hỗ trợ tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, bất động sản”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm, kiều hối chủ yếu chảy qua các tổ chức tín dụng (70%), còn lại chảy qua công ty kiều hối (28%) và bưu điện (2%).
"Một năm khó khăn nhưng bà con kiều bào vẫn hướng về tổ quốc rất nhiều. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện chúng ta còn khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đất nước", ông Tú nhấn mạnh.
Vũ Phong
Nguồn: vneconomy.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC