Khách quốc tế phải cách ly, test COVID-19: Mở cửa du lịch nhưng vẫn 'cài then'?

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng việc yêu cầu du khách quốc tế phải cách ly và test COVID-19 quá nhiều sẽ cản trở ngành du lịch mở cửa và phục hồi.

Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 cho Dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Y tế khuyến cáo du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Nếu di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh.

Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía các doanh nghiệp du lịch. Phần lớn đều cho rằng quy định gây cản trở cho quá trình mở cửa hoàn toàn để hồi phục ngành "công nghiệp không khói".

1 Khach Quoc Te Phai Cach Ly Test Covid 19 Mo Cua Du Lich Nhung Van Cai Then

Doanh nghiệp lữ hành cho rằng những quy định của Bộ Y tế sẽ cản trở, không thể khiến ngành du lịch phục hồi nhanh chóng. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với VTC News, Ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour nêu quan điểm: “Mở cửa như thế này thì gọi là mở như vẫn đóng, chỉ dừng trên lý thuyết, mở cửa mà then vẫn cài thì không có tác dụng. Các biện pháp khắt khe như vậy chắc chắn sẽ khiến khách du lịch quốc tế không muốn vào Việt Nam. Chỉ những người có công việc thật sự phải vào thì họ mới chấp nhận thời gian cách ly lên tới 3 ngày”.

Đại diện công ty Fiditour cũng phân tích, với khách quốc tế khi đi du lịch, nhu cầu của họ là được chào đón và môi trường thân thiện. Nếu Việt Nam đưa ra những chính sách khắt khe và phân biệt với họ thì không có lý do gì họ chọn Việt Nam là điểm đến.

Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại ông Dũng cũng cho rằng những quy định trên còn cản trở nhu cầu người Việt đi du lịch nước ngoài nếu khi quay trở về nước cũng phải cách ly và kiểm tra y tế thường xuyên.

Chung quan điểm, ông Bùi Quốc Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam cũng cho rằng những đề xuất của Bộ Y tế là chưa hợp lý.

Theo ông Đại, hiện tại Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Vậy, những quy định trên của Bộ Y tế là sợ du khách nhiễm bệnh ở nước ta hay sợ khách đưa dịch vào?

“Chúng ta không thể đánh đồng tất cả khách quốc tế vào một quy định chung được, có những du khách đến từ nơi không có dịch hay tỷ lệ lây nhiễm thấp, lý do gì chúng ta vẫn bắt họ cách ly và kiểm tra y tế liên tục? Những quy định trên cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng để mở cửa như chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Đại thẳng thắn nói.

Đại diện Anex Việt Nam cũng cho rằng thời điểm hiện tại thị trường khách du lịch vào nước ta sẽ chủ yếu đến từ những khu vực gần như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Lịch trình du lịch của những khách này chỉ rơi vào khoảng 4 ngày. Nếu phải cách ly mất 3 ngày thì chắc chắn họ sẽ không đến Việt Nam.

Việc yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine đối với du khách cũng là một vấn đề mà đại diện Công ty Anex Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quy định hợp lý.

Ông Đại phân tích: “Có những nước họ có vaccine riêng biệt để tiêm cho trẻ em và người già. Tuy nhiên, vaccine của họ chưa được Việt Nam công nhận, vậy với những người đã tiêm vaccine này có được phép vào nước ta không?”.

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội cũng bày tỏ thất vọng với đề xuất của Bộ Y tế. Vị này cho rằng việc chính sách không nhất quán, gây tranh cãi quá nhiều với các đề xuất, dự thảo đang đánh mất những cơ hội lớn của Việt Nam nếu muốn thu hút khách quốc tế.

"Chúng ta yêu cầu test trong 3 ngày đầu chẳng khác gì “lấy đá buộc vào người” du khách”, vị này nói.

Phân tích về ảnh hưởng trong nước, ông Trần Thế Dũng cho rằng những quy định trên sẽ là một trong những lý do để một số doanh nghiệp quyết định nằm yên, không chuẩn bị cho quá trình phục hồi, chờ quyết định mới hợp lý hơn mới khởi động. Điều này sẽ khiến bộ máy vận hành của toàn ngành du lịch gặp không ít trục trặc.

“Các công ty lớn có bộ máy nhân sự và lượng khách hàng lớn còn có thể duy trì hoạt động, còn các doanh nghiệp nhỏ thì không. Như thế này thì họ càng không mạnh dạn xúc tiến nữa, họ sẽ nằm bất động chờ luôn” - ông Dũng nói.

Cuối cùng, đại diện công ty Fiditour nhận định, Việt Nam có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực về tỷ lệ tiêm chủng cao, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu Việt Nam không tận dụng sẽ chậm một bước so với các thị trường cạnh tranh trong khu vực.

Bộ Y tế đề xuất những quy định với du khách quốc tế khi đến Việt Nam:

Khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc COVID-19 không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ. Sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV mới được rời nơi lưu trú. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.

THÀNH LÂM

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày