Người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm (Ảnh: P.N)
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, số giờ làm thêm trong năm, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên vượt trần 200 giờ hiện tại nhưng không quá 300 giờ trong một năm.
Về số giờ làm thêm theo tháng, trường hợp người sử dụng lao động được huy động người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm và nếu có nhu cầu, được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên giới hạn 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Có 5 trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nhiều doanh nghiệp phía Nam đồng thuận việc tăng "trần" thời gian làm thêm đồng thời cam kết chú trọng đến chế độ lương thưởng, phúc lợi cho người lao động (Ảnh: P.N).
Ngay sau khi nghị quyết được UB Thường vụ Quốc hội thông qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại phía Nam nhận định, đây là một chính sách đi đúng vào trọng tâm, mong muốn của doanh nghiệp và người lao động. So với quy định trước đây, việc nâng mức "trần" làm thêm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, người lao động cũng có thêm khoảng 1/3 thu nhập.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM nói: "Tôi nhận thấy đây là một quy định rất tốt cho người lao động và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại. Tùy mỗi ngành, nghề, doanh nghiệp sẽ có những chiến lược sắp xếp lao động linh hoạt. Nhiều nước hiện cũng đang áp dụng chế độ làm việc 10 - 12 giờ/ngày với người lao động, trong đó có 8 giờ làm chính và đăng ký làm thêm 4 giờ nữa".
Theo Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, để chiến lược tăng giờ làm thêm hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của người lao động. Nếu chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, lao động tăng ca không đảm bảo sức khỏe thì... doanh nghiệp "lãnh đủ".
Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Văn Việt cho hay, việc tăng giờ làm thêm giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất sau dịch Covid-19, tăng thu nhập cho người lao động (Ảnh: P.N).
"Quan trọng nhất là khẩu phần ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo khoa học và cung cấp đủ dinh dưỡng cho người lao động, chế độ nghỉ giữa ca, nghỉ giãn ca phù hợp để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động. Nếu người lao động mệt, ảnh hưởng sức khỏe thì làm việc không hiệu quả, sản phẩm không thể cạnh tranh, thậm chí bị loại ngay", ông Việt nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho hay, hiện nay, với nhiều lĩnh vực, năng suất của người lao động tại Việt Nam chưa cao. Việc nâng "trần" giờ làm thêm giảm bớt việc thâm hụt lao động sau dịch Covid-19, tiến tới chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
"Hiện nay, người lao động đi xin việc đều hỏi có tăng ca không, nếu không tăng ca họ bỏ về, không làm. Do vậy, việc tăng ca là nhu cầu thiết thực, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Trung bình hiện nay, mỗi giờ làm việc, người lao động được trả từ 60.000 - 80.000 đồng. Khi tăng ca, người lao động được trả lương gấp rưỡi, mỗi ngày tăng ca hai giờ đã có thêm hơn 100.000 đồng", ông Việt phân tích thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc công ty TNHH I'Furni cho biết: "Chúng tôi chờ đợi chính sách này từ rất lâu rồi. Không phải chúng tôi chỉ nghĩ đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà đây là nhu cầu từ thực tiễn. Trước đây, nhiều khi đơn hàng gấp, chúng tôi không dám nhận vì không dám vượt quá "trần" 40 giờ làm thêm mỗi tháng. Giờ dịch đã ổn định, doanh nghiệp cần phải dốc toàn lực để phục hồi, ổn định sản xuất và nhân lực là yếu tố trọng tâm".
Giám đốc công ty TNHH I'Furni Nguyễn Văn Út cho rằng, doanh nghiệp đã chờ đợi quy định nâng "trần" thời gian làm thêm từ rất lâu.
Để chính sách đi vào đời sống thực tế hiệu quả hơn, ông Út cũng mong các doanh nghiệp bổ sung thêm chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người lao động.
"Mỗi doanh nghiệp cần có một chế độ dinh dưỡng riêng, phù hợp với thời gian tăng ca, mức độ nặng nhọc của công việc. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ áp dụng mức độ dinh dưỡng chung chung, rất thiệt thòi cho người lao động khi phải làm những công việc nặng nhọc. Nếu chế độ dinh dưỡng phù hợp, thời gian nghỉ ngơi đảm bảo, tôi nghĩ chính sách này sẽ ngày càng được doanh nghiệp, người lao động ủng hộ", Giám đốc công ty TNHH I'Furni chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC