Ngày 18/7, Cục Hàng không cho biết trên chuyến bay VN208 hành trình TP HCM - Hà Nội cất cánh lúc 07h58 (ngày 18/7) phát sinh tình huống một khách lớn tuổi đang cầm dao dài khoảng 20 cm gọt trái cây ở khoang khách. Thời điểm xảy ra vụ việc, tiếp viên hãng bay đã lập biên bản và thu giữ con dao.
Dư luận đặt câu hỏi, hành vi mang dao ra gọt hoa quả trên máy bay vi phạm thế nào quy định về an ninh, an toàn hàng không. Nếu có thì sẽ xử lý thế nào? Nhân viên an ninh để lọt dao vào khu vực hạn chế bị xử lý ra sao?
Hình ảnh hành khách mang dao lên máy bay.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, An ninh hàng không đặc biệt gắn liền và có mối liên kết chặt chẽ với an ninh quốc phòng, cũng như bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Do vậy, các quốc gia đều có những quy định nghiêm ngặt đối với an ninh hàng không nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối với hoạt động diễn ra tại sân bay.
Trong trường hợp trên, một người cao tuổi đang cầm dao gọt trái cây trên máy bay. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 190 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, đây là hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng do đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay. Dao, kéo, các đồ vật sắc nhọn,… đều là những vật có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của con người, sự an toàn của chuyến bay. Ngoài ra, Cục Hàng không đã có những quy định liên quan đến kích thước, cân nặng hành lý xách tay của hành khách cũng như các vật dụng được phép và cấm mang lên máy bay.
Hành khách mang dao lên máy bay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 triệu đến 10 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP.
Nói về trách nhiệm của nhân viên an ninh hàng không, luật sư Hoàng Tùng cho biết, Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT, nhân viên an ninh hàng không được chia thành 3 nhóm: An ninh soi chiếu, an ninh cơ động và an ninh kiểm soát.
Trong đó, nhân viên an ninh soi chiếu chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, ngăn chặn hành khách mang vũ khí, vật liệu nổ và các vật dụng trái quy định vào khu vực hạn chế của sân bay. Họ thực hiện nhiệm vụ này bằng cách vận hành máy soi chiếu hoặc kiểm tra trực quan.
Pháp luật đã quy định rõ về việc hành khách, thành viên tổ bay, người phục vụ chuyến bay, người khác có liên quan, hành lý, hàng hoá,… đều phải được kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước khi lên tàu bay (khoản 2 Điều 192 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006).
Để diễn ra trường hợp hành khách mang dao lên máy bay, không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính đối với khách hàng mà còn cần phải làm rõ trách nhiệm của nhân viên an ninh sân bay, đặc biệt là bộ phận soi chiếu hành lý.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 162/2018/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu hành vi của nhân viên an ninh có dấu hiệu uy hiếp đến an ninh hàng không, mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên tới 10 triệu đồng. Đồng thời, nhân viên an ninh hàng không có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 1 tháng.
“Việc mang dao lên máy bay để gọt hoa quả, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cá nhân là bình thường, chưa làm tổn hại tới ai. Nhưng nếu xét theo nguyên tắc về đảm bảo an toàn bay, thực chất đây là hành vi mang đến những hậu quả khó lường. Việc mang dao lên máy bay không chỉ gây nguy hiểm đối với người sử dụng mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng và nguy hiểm với những hành khách xung quanh, uy hiếp đến sự an toàn của chuyến bay,… Pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa cũng với những mức phạt nghiêm khắc, đủ tính răn đe để phòng ngừa những hành vi tương tự”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm hành khách mang vũ khí, chất dễ cháy nổ, sắc nhọn có khả năng gây ra thương tích cho người khác lên máy bay.
“Để hành khách mang những vật dụng bị cấm lên máy bay là có lỗi của nhân viên kiểm soát an ninh bởi để lên được máy bay thì hành khách phải đi qua rất nhiều thủ tục và qua cửa kiểm tra an ninh, với nhiều thiết bị kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Đặc biệt là với máy soi thì hoàn toàn có thể phát hiện ra những vật bằng kim loại mà hành khách mang theo”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân viên an ninh kiểm tra hành lý của vị khách này đã thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao hay chưa? Vì sao lại không phát hiện con dao khi người này đi qua cửa kiểm soát an ninh, đây mới là lỗi vi phạm lớn gây ra mất an ninh an toàn hàng không.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cán bộ kiểm soát an ninh có vi phạm dẫn đến bỏ lọt, không phát hiện dao nhọn trong hành lý của hành khách, không phát hiện khiến hành khách sử dụng dao nhọn trên chuyến bay làm nhiều người lo sợ thì cần phải xem xét xử lý kỷ luật cán bộ này và có thể xử phạt vi phạm hành chính. Nếu trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì cán bộ này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi với báo chí, ông Tô Tử Hùng - Trưởng phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, dao lam, dao rọc giấy, các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm sẽ không được mang vào khu vực hạn chế, khoang khách của tàu bay.
“Căn cứ hình ảnh trên mạng xã hội, nhiều khả năng con dao mà hành khách mang lên tàu bay thuộc danh mục bị cấm này”, ông Tô Tử Hùng nói và cho rằng, cần thời gian để điều tra, xác minh cụ thể hành vi vi phạm ở khâu nào, vi phạm đến đâu, có cố ý hay không, có uy hiếp an toàn, an ninh hàng không hay không. “Với nhân viên an ninh, nếu sau khi điều tra mà phát hiện lỗi nghiêm trọng, cố ý, có thể bị thu giấy phép hành nghề”, ông Hùng cho biết.
Hải Ninh
Nguồn: kienthuc.net.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC