"Hôm nay mát trời làm tí bia nhỉ", dòng tin nhắn từ cậu bạn thân vào cuối giờ chiều mở đầu cho một cuộc nhậu tới bến của Hưng (tên nhân vật đã được thay đổi), 32 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội.
Như một thói quen, nhóm anh em thân thiết khoảng 10 người của Hưng, mỗi tuần lại nhậu 1-2 lần. "Hôm nay mát trời" hay "xem bóng đá" và đôi khi là "xả xui" chỉ là cái cớ cho những lần tụ tập này.
Với Hưng, những cuộc nhậu này là "cần thiết" và "chính đáng" vì là một hình thức để xả stress sau một tuần làm việc căng thẳng.
"Cũng giống như các bạn trẻ ngày nay đi xem phim, đi picnic, với tôi và nhiều anh em cùng thế hệ nhậu là một trong những cách xả stress hiệu quả nhất", Hưng nói.
Anh giải thích thêm rằng, một cuộc nhậu vừa mang lại niềm vui, vừa giúp tạm quên đi những áp lực đang phải đối mặt trong cuộc sống.
"Mỗi lần tụ tập, chúng tôi đều xác định uống nhiều, vì phải như vậy mới đủ "vui" và xả stress đúng nghĩa. Do đó, trong một bữa người tửu lượng khá uống 10 cốc/lon bia trở lên là chuyện thường", Hưng kể.
Chàng trai bày tỏ không quá quan ngại về việc sử dụng đồ uống có cồn của mình. Theo Hưng, mặc dù mỗi lần nhậu uống nhiều bia rượu, nhưng một tuần chỉ nhậu 1-2 lần. Hưng khẳng định, tần suất này là vừa phải, thậm chí ít hơn với nhiều đấng mày râu khác và "có làm thì phải có chơi".
Từng là người không biết uống bia rượu và cũng không thiết tha gì loại đồ uống có cồn này, thế nhưng chỉ sau 2 năm đi làm, Minh Trí, 27 tuổi, trở thành một người có "đô" bia rượu tốt ở cơ quan.
"Điểm hẹn của gần như bất cứ dịp gì cần tụ tập, gặp mặt đều là ở quán nhậu. Từ tổng kết phòng ban, mừng thăng chức hay đơn giản là "rửa" máy tính, điện thoại mới đều có thể là lý do để uống. Tôi không mấy mặn mà với bia rượu nhưng cũng không thể tự tách mình ra khỏi tập thể", Trí cho hay.
Cuộc sống sau giờ làm việc của Trí cũng thường xuyên gắn liền với bia rượu. Uống không phải vì thích, mà đơn giản vì đây là phương tiện kết nối.
"Mỗi lần về quê hay dịp giỗ chạp, mời nhau cốc bia, chén rượu là "đầu câu chuyện" với người thân lâu ngày chưa gặp. Họp lớp, sinh nhật, ngày kỷ niệm cũng được xem là chưa thể "trọn niềm vui", "chưa đủ chân tình" nếu thiếu đi bia rượu", Trí chia sẻ.
Nhẩm tính số lần phải sử dụng đồ uống có cồn trong tuần qua, chàng thanh niên này không nhớ rõ là 5 hay 6 cuộc. Từng có đợt Trí phải kiêng bia rượu suốt 2 tháng vì loét dạ dày.
Đặt quyết tâm chia tay bia rượu, nhưng đến khi khỏi bệnh, việc uống bia rượu đều như vắt tranh đâu lại vào đấy. Trí nói mình bị cuốn vào "vòng xoáy của đàn ông trưởng thành".
"Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia".
Đây là một thông tin đáng chú ý của đại diện WHO chia sẻ tại hội thảo về sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường diễn ra hồi cuối tháng 9 tại Hà Nội.
Cụ thể, theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng thành 9,3 lít; tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu.
Ngay cả một hoạt động vốn dĩ xuất phát từ nhu cầu tăng cường sức khỏe như chơi thể thao, cũng được không ít người gắn với bia rượu.
Một trận bia ngay sau khi chạy bộ, đá bóng... là niềm vui của nhiều người. Thậm chí còn có người tập thể dục chỉ để được giải khát bằng bia cùng "anh em".
Như vậy, trong giai đoạn 2015-2019 sản lượng bia tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Lượng rượu thủ công, tự nấu không được thống kê nhưng các tổ chức y tế nhận định là rất lớn.
Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có một người uống ở mức nguy hại.
Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia. Bộ Y tế cho biết rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Một nghiên cứu được công bố năm 2022 cho thấy tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam là khá cao, đặc biệt là ở nam giới. Trong đó, khoảng 77% nam giới và 23% phụ nữ được xác định là người tiêu thụ rượu bia thường xuyên.
Theo khảo sát mức sống dân cư 2022 do Tổng Cục thống kê công bố, mức tiêu thụ rượu bia trung bình của người Việt là 1,16 lít/người/tháng.
Xét theo vùng, lượng tiêu thụ rượu bia có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Năm 2022, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có mức tiêu thụ rượu bia cao nhất, đạt 2,7 lít/người/tháng. Các vùng có mức tiêu thụ cao khác bao gồm Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 0,99 lít/người/tháng và Đông Nam Bộ với 0,66 lít/người/tháng.
Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm. 48% thanh niên 14-17 tuổi cũng uống rượu bia.
Trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên Dân trí thực hiện, nhiều người lý giải một trong những lý do khiến họ tìm đến rượu bia mỗi khi cần xả stress hay tìm niềm vui, bởi giá thành rẻ và dễ kiếm.
"Một cốc trà sữa có thể mua được 5 chai bia", Hưng làm phép so sánh với một thức uống "xả stress" khác của nhiều bạn trẻ, để chứng minh cho thú vui giá rẻ của mình.
Với giá thành chỉ khoảng 10.000-12.000 đồng cho mỗi chai/cốc bia, Hưng cho biết, mình chỉ mất khoảng 300.000 đồng cho một cuộc nhậu "tới bến" cùng bạn bè ở quán bia hơi vỉa hè. Nếu "lai rai" tại nhà xem bóng thì chi phí chỉ còn chưa đến một nửa.
Số tiền để "mua niềm vui" bằng bia rượu, theo chàng trai này vừa túi tiền hơn nhiều cách giải trí khác như đi nghe nhạc, xem phim hay du lịch.
Theo Bộ Y tế, giá bia rượu của Việt Nam được đánh giá là rẻ so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, giá bia vốn đã rẻ lại càng trở nên rẻ hơn trong các năm qua.
Mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình 2016-2018. Tuy nhiên, sức mua rượu, bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm.
Thống kê từ Euro Monitor 2023 cho thấy, giá bia đã giảm từ 60.000 đồng/l vào năm 2008 xuống còn khoảng 40.000 đồng/l vào năm 2023.
Thống kê của WHO cũng phản ánh thực trạng này. Theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm, giá tương đối theo thu nhập (RIP) của rượu bia tại Việt Nam đang ngày càng giảm.
RIP thể hiện phần trăm GDP bình quân đầu người cần để mua 100 lít bia, một chỉ số cho thấy giá bia đang trở nên "rẻ" hơn đối với người tiêu dùng khi so với thu nhập bình quân.
Cụ thể, vào năm 2008, để mua 100 lít bia, trung bình một người Việt cần gần 18% tổng thu nhập của cả năm, con số này là khoảng 180% với rượu mạnh và khoảng 150% với rượu vang.
Tuy nhiên, đến năm 2023, một người Việt chỉ cần bỏ ra khoảng 6% thu nhập một năm để mua 100 lít bia, tương tự với rượu mạnh là khoảng 60% và với rượu vang là khoảng 40%.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, rượu bia gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (rối loạn sử dụng rượu bia, tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư, các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông…).
Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam có 46.000 ca tử vong liên quan đến bia rượu, chiếm hơn 6% tổng số ca tử vong.
"Sử dụng bia rượu là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng: bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội. Thiệt hại về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm 1,3-3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia", bà Hương nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia đánh giá, thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ và dễ mua. Hàng quán nào cũng có thể bán mà không có bất cứ quy định, tiêu chuẩn nào. Vì vậy, bất kỳ khi nào, thời điểm nào, số lượng ra sao, người dân có nhu cầu đều được đáp ứng.
Theo WHO, tại Việt Nam, thuế rượu bia chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% giá bán lẻ (trong khi nhiều quốc gia, con số này từ 40 - 85% giá bán lẻ).
Tức là giá lon bia từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng vốn đã rẻ, nay tính ra còn rẻ hơn nữa khi người ta chỉ cần đóng thuế khoảng 3.333 đồng đến 4.000 đồng cho mỗi lon bia, khiến giá thực tế của lon bia xuống từ 7.000 đồng đến hơn 10.000 đồng.
Tăng thuế với các sản phẩm có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu bia, là quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ: "Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng".
Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2022-2025 yêu cầu: "Nghiên cứu đề xuất mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm đồ uống có đường, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe".
Nội dung: Minh Nhật
02/11/2024 - 07:31
© 2024 | Thời báo ĐỨC