Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hành khách tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NIA
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 4 đến 7-1 có 47 chuyến bay quốc tế hạ cánh tại Việt Nam, gồm 16 chuyến thương mại thường lệ, 20 chuyến trọn gói, 11 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch quốc tế. Tổng cộng có 6.094 khách nhập cảnh.
Cục Hàng không cho biết trong các ngày qua, để đảm bảo hạn chế tối đa việc ùn tắc tại khu vực xét nghiệm nhanh ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong việc giãn cách thời gian hạ cánh các chuyến bay.
Nhưng do các hãng hàng không gặp khó khăn về việc đổi thời gian xuất phát từ nước ngoài nên việc điều chỉnh chưa thể thực hiện triệt để. Các chuyến thương mại, chở chuyên gia sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) lịch sử tại các sân bay nước ngoài và Việt Nam nên lịch bay không thể điều chỉnh, nếu điều chỉnh sẽ mất slot lịch sử.
Trong khi các chuyến bay trọn gói đưa công dân về nước là chuyến bay thuê chuyến (charter) không thường lệ nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác, đặc biệt là điểm hạ cánh tại Việt Nam.
Theo Cục Hàng không, thời gian qua, phần lớn các chuyến bay trọn gói đều được tổ công tác 5 bộ phê duyệt cho thực hiện và hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò đầu mối trong việc xem xét, phê duyệt các chuyến bay trọn gói sẽ hạn chế tối đa các chuyến bay trọn gói chở công dân về nước hạ cánh tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho tới khi có điều chỉnh quy định về xét nghiệm nhanh đối với hành khách nhập cảnh.
Theo công điện số 9406/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23-12-2021 về tăng cường kiểm soát chủng mới Omicron của virus SARS-COV-2, hành khách đi máy bay từ các nước có chủng Omicron đến Việt Nam phải xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay.
Trong quá trình khai thác các chuyến bay quốc tế, Cục Hàng không nhận được đề nghị của nhiều hãng hàng không, yêu cầu bỏ việc xét nghiệm nhanh trước và sau khi chuyến bay đến Việt Nam. Thay vào đó sẽ yêu cầu hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 giờ thay vì 72 giờ trước khi nhập cảnh để tăng độ tin cậy.
Nhiều sân bay nước ngoài không có dịch vụ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, có sân bay bố trí thì chi phí khoảng 270 USD/lần như ở Nhật Bản, tốn kém cho khách. Việc chờ đợi xét nghiệm nhanh và lấy kết quả sau khi nhập cảnh tại sân bay gây ùn ứ khi có nhiều chuyến bay quốc tế đến.
Ngày 7-1, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay) trên cơ sở điều chỉnh quy định tại công điện số 9406/CĐ-VPCP.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC