Tính từ 16h ngày 20/12 đến 16h ngày 21/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 đã ghi nhận 16.316 ca mắc Covid-19 trong nước (tăng 1.350 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (11.309 ca trong cộng đồng).
Số người dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Nam tiếp tục nằm trong xu hướng gia tăng kể từ khi chúng ta chủ trương thích ứng, sống chung an toàn với virus. Tuy nhiên, điều đáng nói là các con số thống kê đang cho thấy sự thay đổi về diễn biến dịch tại các địa phương khác nhau.
Dịch tại Hà Nội "nóng dần"
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 21/12, thành phố ghi nhận 1.704 trường hợp nhiễm nCoV. Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận đã lên tới 30.398 ca.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy thành phố đã có 3 ngày liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Trong khoảng thời gian này, Hà Nội ghi nhận lần lượt 1.405, 1.612 và 1.704 người nhiễm virus.
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.
Xét trung bình tuần qua, Hà Nội cũng đã vươn lên vị trí thứ 3 với khoảng hơn 1.100 ca mắc mới mỗi ngày (chỉ xếp sau Tây Ninh và Cà Mau).
Dự báo về tình hình dịch Covid-19 của Hà Nội trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng số ca nhiễm nCoV trên địa bàn thành phố có thể sẽ tiếp tục tăng.
“Nguyên nhân là khi chúng ta mở cửa, mọi người có điều kiện giao lưu, đi lại, làm việc gần như bình thường. Việc tuân thủ các quy định về phòng dịch của người dân cũng không thực sự tốt khi một bộ phận bắt đầu có tâm lý chủ quan”, vị chuyên gia cho biết.
Trong bối cảnh cận kề dịp lễ tết cuối năm, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội thậm chí đã huy động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố báo cáo Cấp ủy, Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc nhà trường chọn cử từ 200 đến 300 sinh viên tình nguyện/đơn vị tham gia "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" tư vấn cho người dân trong hoạt động phòng, chống dịch và hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhóm từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên bao phủ đủ liều cơ bản cho người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền.
Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát đối tượng, lập kế hoạch tiêm liều bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và toàn bộ người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.
Với mũi nhắc lại, đối tượng được tiêm là người trên 18 tuổi đã được bao phủ đủ liều cơ bản; Toàn bộ người có bệnh nền, cần chăm sóc y tế dài hạn, trên 50 tuổi; Trường hợp trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 95,22% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Trên toàn thành phố, dịch vẫn ở cấp độ 2. Ở cấp quận, huyện, thị xã, Hà Nội có 4 địa phương cấp độ 1, 24 địa phương cấp độ 2 và 2 địa phương cấp độ 3 là Đống Đa và Hai Bà Trưng. Ở cấp xã, phường có 422 xã, phường cấp độ 1, 132 xã, phường cấp độ 2 và 25 xã, phường cấp độ 3 và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
TP.HCM “hạ nhiệt”
Trái ngược với Hà Nội, TP.HCM đã trải qua 2 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn dưới ngưỡng 1.000 trường hợp (687 ca trong ngày 20/12 và 813 người ngày 21/12). Tốc độ phát hiện ca mắc mới của thành phố cũng đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.
Trung bình tuần qua, thành phố chỉ ghi nhận khoảng hơn 1.000 ca mắc mới và xuống vị trí thứ 4 cả nước. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho cho thấy 95,48% người dân trên 18 tuổi của TP.HCM đã được bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Trước tình hình dịch hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có quyết định kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh để kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhằm chỉ đạo, triển khai các giải pháp hữu hiệu phòng ngừa, ngăn chặn, khống chế, dập dịch.
Ban sẽ xem xét các đề xuất, giải pháp của tổ chuyên gia; xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp, kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thành phố...
Trong khi đó, TP.HCM đang trong thời gian thí điểm dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và 12. Thời gian thí điểm đã bước sang tuần thứ hai. Dự kiến, sau ngày 27/12, học sinh 2 khối này vẫn học trực tiếp. Thành phố tiếp tục xem xét việc cho những khối lớp khác trở lại trường.
Dịch tại Cà Mau, Tây Ninh vẫn phức tạp
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Cà Mau, trong ngày 21/12, tỉnh ghi nhận thêm 1.590 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng 623 trường hợp so với hôm qua.
Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 26.954 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 16.553 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng. UBND tỉnh Cà Mau nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, 101,17% người dân trên 18 tuổi tại Cà Mau đã được tiêm 2 mũi vaccine, gồm cả trường hợp từ địa phương khác tới. Tuy nhiên, UBND tỉnh thừa nhận vẫn còn nhiều người sống trên địa bàn Cà Mau mới tiêm một liều, thậm chí chưa được tiêm vaccine, làm tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong khi mắc Covid-19.
Để mọi người dân trong độ tuổi, đủ điều kiện, được tiêm vaccine theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương chỉ đạo, triển khai rà soát theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên, trên địa bàn quản lý, phải được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 trước ngày 31/12 (trừ trường hợp chống chỉ định tiêm, phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
Tại Tây Ninh, 870 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện trong vòng 24 giờ qua. Tính trong làn sóng dịch thứ 4, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 79.063 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 15.927 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trên địa bàn.
Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 97,15%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 89,81%.
Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.
Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3
Trong ngày 20/12, Bộ Y tế thống kê 981.748 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm. Đến nay, tổng số vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 140.438.803 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 76.115.342 liều, tiêm mũi 2 là 62.959.544 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.363.917 liều.
Là địa phương đầu tiên triển khai tiêm mũi 3 cho người dân, ngày 21/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có công văn điều chỉnh kế hoạch tiêm mũi vaccine này trên địa bàn.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tiêm vaccine liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cụ thể như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng... Hoặc người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V.
Người dân tại TP.HCM được tiêm vaccine mũi 3 phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Các trường hợp này phải tiêm mũi vaccine cuối cùng của liều cơ bản trước đó ít nhất 28 ngày. Những người có chỉ định tiêm liều bổ sung sau khi tiêm mũi này được xem đã hoàn thành liều cơ bản.
Liều nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng. Trong đó, TP.HCM ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, lực lượng tuyến đầu...
Người đã mắc Covid-19 nếu chưa được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại sẽ tiêm theo hướng dẫn trên sau khi hoàn thành cách ly.
Liên quan vaccine trong nước, mới đây, Bộ Y tế đã thông tin về kết luận cuộc họp xem xét báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia.
Trên cơ sở báo cáo, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất kết luận như sau:
Về tính an toàn: Vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn tính dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11.
Về tính sinh miễn dịch: Vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch theo Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước (ban hành kèm theo Quyết định 5259/QĐ-BYT ngày 11/11 của Bộ trưởng Bộ Y tế) dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11.
Về hiệu quả bảo vệ: Cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử (Học viện Quân Y, Viện Pasteur TP.HCM) và nhà tài trợ (Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen) về việc xác minh các trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13/12 làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vaccine Nano Covax.
Bộ Y tế đề nghị tổ chức nhận thử hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo phân tích hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vaccine về Hội đồng Đạo đức trước 15h ngày 22/12 để xem xét, đánh giá.
Quốc Toàn
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC