Những ngày qua, một số địa bàn tại Hà Nội lại rơi vào tình trạng ùn ứ rác thải, cộng với thời tiết nóng nực, ô nhiễm khiến môi trường càng ngột ngạt.
Chia sẻ với PV, đại diện Urenco cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn ứ này là tình hình trên bãi rác Nam Sơn giờ hơi khó khăn. Đường lên bãi đổ giờ rất cao (cos lên cao đến 41 so với cos tiêu chuẩn là 39): "Các xe lên đổ rác xong khi xuống rất chậm, do đó tất cả các khâu tại nội thành đều bị chậm lại", nguồn tin từ Urenco cho hay.
"Bãi rác" trên đường Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường
Tình trạng ùn ứ rác thải tại Hà Nội dường như là vấn nạn tồn tại nhiều năm nay chưa có bài toán giải quyết dứt điểm; trong khi dự án nhà máy điện rác chưa biết khi nào hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng, còn Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có mức đầu tư lên đến 768 tỷ đồng, theo tiến độ dự kiến vận hành từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn đang đóng cửa bỏ hoang.
Trao đổi với PV về dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã hoàn thành nhưng chưa đi vào sử dụng chính thức, ông Trịnh Nhất Cường, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, sau khi nhận văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo về việc đủ điều kiện vận hành dây chuyền, nhà máy đã triển khai vận hành thử, nhận rác từ ngày 6/5/2022.
Toàn cảnh Nhà máy Điện rác Sóc Sơn.
"Quá trình xử lý rác được vận hành trên 1 dây chuyền và 1 lò đốt có công suất là 800 tấn/ngày đêm. Do đang chạy thử nên nhà máy không thể chạy hết công suất được.
Trong quá trình chạy thử, phát hiện một số vấn đề nên phải dừng để căn chỉnh lò, sau đó tổ chức chạy sấy lò để bê tông trong lò được khô, rồi chạy kiểm lò để làm sạch đường ống nước vệ sinh hơi của lò", ông Cường thông tin.
Phòng điều hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn
"Công suất xử lý rác trên lý thuyết là 800 tấn nhưng thực tế không vận hành hết công suất như vậy. Nhà máy đã chạy thử nghiệm được gần 1 tháng. Về cơ bản phần lò 3 đã xong và nhà máy đang thông thổi lò 4 để đủ kiện vận hành và xông hơi tuabin", ông Cường nói thêm.
Theo ông Cường, dù nhà máy đã đưa vào vận hành thử nghiệm nhưng hiện tại vẫn phải dùng điện lưới và chưa được vận hành máy phát điện. Từ tháng 11/2021 đến nay, nhà máy đã tiếp nhận hỗ trợ Hà Nội xử lý 21.500 tấn rác. Trong khi đó, bể xử lý rác có thể chứa được 27.000 tấn, khi rác vào bể chứa vài ngày sẽ xẹp đi nên chúng tôi có thể tiếp nhận tối đa khoảng 30.000 tấn.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đang chạy thử nghiệm, tiếp nhận, xử lý rác cho một số địa bàn
"Hiện tại, chúng tôi hoàn toàn có thể vận hành trơn tru 1 bộ máy nếu được hòa lên điện lưới quốc gia. Mỗi ngày chúng tôi có thể xử lý được khoảng 800 đến 1.000 tấn rác", ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, hiện nay nhiều thủ tục liên quan đến nhau, không thể xử lý được cùng một lúc. ''Xây dựng nghiệm thu xong mới được cấp điện. Rồi vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Thủ tục nọ chờ thủ tục kia nên mất rất nhiều thời gian.
Để kế hoạch được chấp thuận, phải gửi hồ sơ lên trước 30 ngày, tổ chức họp điều chỉnh mới bắt đầu được thử nghiệm. Đại diện Nhà máy mong muốn sớm giải quyết được mọi thủ tục để nhà máy điệ n rác Sóc Sơn nhanh chóng vào hoạt động.
Anh Hùng
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet
© 2024 | Thời báo ĐỨC