Sau cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch do nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, người dân Thủ đô lại đối mặt với giá nước cao được cung cấp từ Nhà máy nước sông Đuống. Ảnh: Việt Linh.
Sau vụ Nhà máy Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải ảnh hưởng đến cuộc sống hàng vạn người dân Hà Nội, nay lại phải trả một cái giá quá đắt khi sử dụng nước sạch của Công ty Nước sạch Sông Đuống (Nhà máy Nước mặt Sông Đuống) khi giá bán ra của doanh nghiệp này lên đến 10.246 đồng/m3.
Dân “cõng” lãi vay cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá bán sỉ nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Nhà máy Nước sạch Sông Đà đưa vào khai thác năm 2009 với chi phí đầu tư 1.555 tỉ đồng, còn Nhà máy Nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỉ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau.
Khi đầu tư Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng (tương đương 80%), chi phí lãi vay được tính vào giá nước.
Chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay chiếm khoảng 20% giá thành, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao khoảng 2.100 đồng/m3.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, về nguyên tắc không chỉ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, mà kể cả các nhà máy nước khác, khi lập dự án thì nhà nước ký hợp đồng tiêu thụ nước.
Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban, ngành liên quan, xây dựng báo cáo để TP xin ý kiến của Bộ Tài chính.
Thực tế giá nước sông Đuống 10.246 đồng/m3 chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Sau này, khi dự án hoàn thành, quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể.
Khi Nhà máy Nước mặt Sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao cho Công ty Nước sạch Hà Nội phân phối nước cho họ, trung bình từ 110.000 – 120.000 m3/ngày đêm.
Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đã bảo đảm nguyên tắc giá mua không được cao hơn giá bán ra.
Còn Nhà máy Nước sạch Sông Đà đã đi vào hoạt động nhiều năm qua nên đã khấu hao hết rồi, vì vậy giá của doanh nghiệp này chắc chắn thấp hơn nước sạch sông Đuống (nước Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cao gấp đôi so với mức 5.069 đồng/m3 của Nhà máy Nước sạch Sông Đà).
“TP chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ. Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả.
TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân.
Không chỉ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Sau vụ ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, người dân Hà Nội lại đối mặt với giá nước cao từ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: HUY THANH
Giá quá cao
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, đặt vấn đề tăng giá nước trong thời điểm vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà đang còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ. Ngoài ra, dịch vụ cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, nên việc tăng giá cần có lý giải hợp lý và minh bạch thông tin.
“Người dân chỉ biết rằng mỗi khối nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao nhiêu tiền và giá đó không thể cao hơn mặt bằng chung. Mặt bằng chung hiện nay, giá nước sạch chỉ 7.000 đồng/m3, mà Nhà máy Nước mặt Sông Đuống lại tăng thêm hơn 3.000 đồng/m3 là quá cao, phải có giải thích hợp lý để người dân giám sát.
Nếu tăng thì phải có lý giải thuyết phục và minh bạch” – ông Sinh nói.
Ông cho rằng cần cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về giá nước để làm rõ thông tin, cũng như cách tính giá nước hiện nay.
Việc này sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch, để nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, dù đơn vị sản xuất nước là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân cũng không thể chấp nhận được việc lợi dụng những khó khăn như tình trạng thiếu nước của người dân để tăng giá.
Nhà nước cần phải vào cuộc làm việc với doanh nghiệp để tính toán những vấn đề liên quan cho người dân vì giá nước 10.246 đồng/m3 là quá cao so với mặt bằng giá nước chung.
“Khi giá nước quá cao, nhà nước cần bù lỗ. Tuy nhiên, bù lỗ phải hợp lý, không khéo bù lỗ đó vô tình đóng góp cho các doanh nghiệp đầu cơ về nước để họ tăng giá, thu lợi nhuận cao hơn” – ông Hòa nhấn mạnh.
Không thể kiểm toán doanh nghiệp tư nhân!
Trước những kiến nghị cần thanh tra, kiểm toán rõ giá dịch vụ công như nước sạch, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết với dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy Nước mặt Sông Đuống không nằm trong phạm vi Kiểm toán nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân. Tuy nhiên, hiện tồn tại bất cập trong quản lý nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung. Tồn tại này là do quá trình đàm phán của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền và nhà đầu tư. Cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính – Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.
“Với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa như nước sạch, nhà chức trách cần rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ…
Trường hợp nước sạch sông Đuống nếu kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước dự án này chênh tới vài ngàn đồng so với mặt bằng giá chung” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Báo Người Lao Động
© 2024 | Thời báo ĐỨC