Hơn một năm nay, anh Phạm Duy Hưng, quê Ninh Bình, cùng mẹ – bà Trần Thị Điểm, 77 tuổi, đang ngụ ở quận Bình Thạnh – đi nhặt ve chai trong đêm. “Mẹ tôi già rồi nên mỗi khi ngoài Bắc gió lạnh là sức khỏe yếu đi nhiều. Người ta bảo trong này ấm nên tôi mang mẹ vào đây tránh rét. Ban ngày tôi đi làm bảo vệ, lương 4 triệu, tối thì nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập”, anh Hưng kể.
Bà Điểm, chân đã yếu, mắt mờ, được đặt trong thùng xe để con đẩy đi khắp phố. Những túi đựng phế liệu treo lỉnh kỉnh quanh thành xe. “Một năm trước, có lần mẹ đi lạc, may được anh xe ôm đưa về. Đêm hôm, tôi không muốn mẹ ở nhà một mình, sợ gặp nguy hiểm nên phải đưa đi cùng cho an tâm”, anh tâm sự.
Những lúc cảm thấy khoẻ, bà Điểm đứng dậy để phụ con trai thu gom và phân loại phế liệu. Hưng là con út trong số bốn người con. Hai con trai và gái còn lại của bà ở quê làm vườn, cuộc sống cũng khó khăn.
Mỗi tối, hai mẹ con đi bộ gần 10 km nhặt ve chai. Công việc thường bắt đầu từ 19h và kết thúc lúc 12h đêm. Ngày nhặt được nhiều, họ kiếm được hơn 100.000 đồng.
“Hôm nào may mắn có thể kiếm được sắt vụn, người dân cho đồ cũ, giấy báo thì bán có giá hơn. Có lần, tôi nhặt được ghế nhựa, bóng đèn, ổ cắm… vẫn xài được”, anh Hưng chia sẻ, vừa lục tìm những chiếc chai nhựa lẫn trong túi rác ven đường.
Thời gian còn lại, hai mẹ con chủ yếu ở phòng trọ, không gian sinh hoạt chính cũng là nơi ăn uống ngủ nghỉ của hai người. Căn phòng được ghép bằng miếng ván, cây gỗ, nằm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) rộng 10 m2, thuê với giá 1,6 triệu đồng mỗi tháng.
Trên tường trọ là di ảnh của ông Phạm Mạnh Hoà, bố của anh Hưng, cũng là vật duy nhất hai mẹ con mang vào Sài Gòn. Ông Hoà mất năm 2015 tại quê.
Anh Hưng chia sẻ, mơ ước duy nhất của bản thân là mong mẹ luôn khỏe mạnh. “Ngày nào tôi cũng muốn sớm xong việc để về bên mẹ. Tôi nói đủ thứ chuyện, tìm cách pha trò để bà vui. Chỉ cần thấy mẹ cười và khoẻ thì nghèo khổ thế nào vẫn chịu được”, người con trai nói.
Ở nơi đất khách, hai mẹ con thường gọi điện cho người thân. Chiếc điện thoại được một người khách cho khi nhặt ve chai.”Ngày vô Nam, mấy lần các con vào xin tôi ra lại nhưng thằng Hưng nó không chịu. Từ hồi vào đây, sức khỏe cũng tốt lên, không còn đau buốt khắp người nhiều mỗi khi gió rét về nữa”, người mẹ nói.
Vào Sài Gòn lập nghiệp gần 2 năm nay, anh Hưng vẫn duy trì thói quen xem tivi vào mỗi tối trước khi đi làm, còn bà Điểm thường ngồi cặm cụi têm trầu, một niềm vui từ thuở còn trẻ.
Những lúc rảnh rỗi, anh bày những bộ sưu tập đồ chơi nhặt ngoài đường để hai mẹ con cùng ngắm nghía. “Nhiều món vẫn còn mới, sử dụng được không hiểu sao người ta bỏ. Nhớ lúc bé thấy bạn cùng xóm có đồ chơi, tôi hay khóc, đòi. Mẹ an ủi bảo khi nào có tiền sẽ mua cho mà mãi không thấy”, chàng trai kể.
Anh Hưng ngồi nghe mẹ trò chuyện, dặn dò vào cuối ngày. Chủ đề hai mẹ con thường nói là những kỷ niệm ở quê.
“Tôi tính Tết này, nếu mẹ khỏe, hai mẹ con sẽ về thăm quê vài ngày, nhưng cũng phải đợi sau Tết vì giá vé tàu xe đắt lắm”, anh Hưng nói, vừa đẩy xe chở mẹ để đi làm, như mọi đêm.
Quỳnh Trần- VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC