Người dân TP.HCM tiêm vaccine phòng COVID-19 hồi tháng 6/2021.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thành phố ghi nhận số ca COVID-19 mới giảm mạnh, từ vài trăm xuống còn vài chục ca mỗi ngày. Tuy nhiên, từ mùng 5 Tết đến nay (24/2), số ca nhiễm tăng trở lại.
Gần đây nhất từ 22 đến 24/2, TP.HCM ghi nhận số ca COVID-19 mới lần lượt 1.356 ca (ngày 22/2), 1.451 ca (ngày 23/2), riêng ngày 24/2 tăng lên 2.466 ca. Trước đó, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại TP.HCM, theo số liệu của Bộ Y tế, trong tháng 8 và 9/2021, ở giai đoạn đỉnh dịch trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận từ 6.000 đến 8.000 ca nhiễm mới, riêng ngày 3/9/2021, thành phố ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục 8.499 ca.
F0 tăng cao những ngày gần đây khiến nhiều người đặt ra khả năng TP.HCM có thể tái lập đỉnh dịch.
Số ca mắc COVID-19 của TP.HCM từ ngày 15 đến 24/2/2022.
BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nguy cơ bùng phát dịch là có thể có. Trong và sau đợt nghỉ Tết vừa qua, nhu cầu giao lưu đi lại của người dân tăng cao, và đây là một yếu tố dẫn đến số ca mắc COVID-19 mới gia tăng. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron đã xuất hiện và xâm nhập trong cộng đồng. Biến chủng này rất dễ lây lan nên có thể dịch sẽ gia tăng những ngày tới.
Tuy nhiên, theo BS Trường, với kết quả trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng cao là lợi thế giúp thành phố kiểm soát tốt, tránh dịch bùng lên.
“Một, hai ngày trở lại đây số ca nhiễm tăng, nhưng hầu hết là bệnh nhẹ, số ca nhập viện và tử vong gần như không biến động, thậm chí xu hướng giảm nên chúng ta có thể ứng phó. Nếu bùng phát làn sóng dịch tiếp theo thì chúng ta vẫn kiểm soát được. Chắc chắn số ca mắc mới thời gian tới vẫn tăng, nhưng để lên đến đỉnh dịch thì khó, bởi với những điều kiện đã có, chúng ta sẽ kiểm soát tốt”, BS Trường nói và thông tin ngành Y tế thành phố cũng đã chuẩn bị mọi thứ, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh.
“Hiện nay, một số bệnh viện dã chiến đã đóng cửa nhưng chỉ cần "hô lên một tiếng có dịch" thì trong vòng 24h các bệnh viện trước đây đã đóng sẽ tái hoạt động trở lại và ứng phó rất tốt. Đối với người dân, tuân thủ 5K vẫn là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất, ai cũng ý thức tốt được việc này thì sự lây lan gần như bị chặn đứng lại”, BS Trường nói.
Nhận định về nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở thành phố, BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) nêu thực tế người mắc COVID-19 và người gọi đến bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ tăng lên. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 tại thành phố khá cao, tuy nhiên khi chủng Omicron xuất hiện trong cộng đồng, tốc độ lây lan nhanh, nếu không tuân thủ biện pháp 5K tốt, không kiểm soát tốt, khả năng có thể giữa tháng 3 số ca mắc mới sẽ lập đỉnh mới.
“Chiều hướng mấy ngày hôm nay số ca mắc mới nhiều, trong cán bộ, viên chức của các phường ở các quận, huyện có nhiều ca nhiễm, rồi những ngày gần đây số ca F0 trong học sinh cũng tăng, nhiều lớp phải ngưng học. Do đó phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho trẻ 5 - 11 tuổi. Nghiêm ngặt 5K, nếu chúng ta không kiểm soát tốt, khả năng số ca nhập viện tăng, mở cửa trở lại các bệnh viện thu dung, điều trị là khó tránh khỏi”, BS Khanh nhận định.
BS Khanh nhận định, có thể số ca mắc COVID-19 mới sẽ lập đỉnh vào giữa tháng 3/2022. (Ảnh minh họa).
Để ứng phó “làn sóng” dịch mới có thể xảy ra, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho rằng, khi ngành y tế sẵn sàng mở cửa các bệnh thu dung, điều trị thì nguồn nhân lực phải đảm bảo, thiết bị, vật tư y tế phải được chuẩn bị trước, bởi nếu đợi dịch bùng lên sẽ không kịp và bị động.
Bên cạnh đó, các bệnh viện phải kiểm soát nghiêm ngặt tránh các ca chuyển nặng; tăng cường lực lượng cho các tuyến trạm y tế cơ sở để tư vấn, quản lý cách ly F0 tại nhà, khi cần phải có trang thiết bị để đưa bệnh nhân chuyển nặng đến bệnh viện ngay để tránh nguy cơ tử vong.
MAI CÁT
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC