F0 Hà Nội tăng vùn vụt, 3% phải nhập viện, có thay đổi chiến lược chống dịch?

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. 97% bệnh nhân thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong gần 4.000 ca nhập viện, số ca nặng/nguy kịch đang tăng.

1 F0 Ha Noi Tang Vun Vut 3 Phai Nhap Vien Co Thay Doi Chien Luoc Chong Dich

Nhiều tháng nay, Hà Nội luôn là địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19 mới mỗi ngày nhất cả nước.

3% F0 ở Hà Nội phải nhập viện, 700 ca nặng, nguy kịch

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hơn 3% còn lại (gần 4.000 ca) phải nhập viện điều trị; gồm hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3) và hơn 300 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

2 F0 Ha Noi Tang Vun Vut 3 Phai Nhap Vien Co Thay Doi Chien Luoc Chong Dich

Theo dõi, điều trị ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội. Ảnh: TL

Trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); Gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO..., theo thống kê của Bộ Y tế cập nhật ngày 17/2.

Sở Y tế Hà Nội cho biết số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày. Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine COVID-19.

Hà Nội có thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch?

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên) đạt gần 55%. Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.

Mới đây chính quyền Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.

Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TS. Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, theo người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô, phải có kế hoạch và thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội hiện nay.

Trong bối cảnh số ca mới liên tục tăng nhanh và mạnh trong khi gần 97% không triệu chứng/nhẹ được quản lý theo dõi sức khỏe tại nhà và gần 100% dân số tiêm 2 mũi vaccine, ưu tiên trọng tâm của TP là bảo vệ, quản lý người nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, chưa được tiêm vaccine) mắc COVID-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine là cần thiết.

TS. Trần Thị Nhị Hà

Tại quận Hai Bà Trưng, chính quyền đã yêu cầu 18 phường trên địa bàn lập danh sách nhóm người cao tuổi, bệnh nền có nguy cơ cao để thường xuyên theo dõi và thăm khám thường xuyên. Trung bình mỗi phường có từ 300 - 500 người có nguy cơ cao.

Tại quận Nam Từ Liêm, lãnh đạo phòng Y tế quận cho biết qua rà soát có 485 người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine. Các lực lượng từng phường đã đến tận nhà tiêm vaccine cho người dân, đến nay còn 53 trường hợp "không thể tiêm được" do tuổi quá cao (trên 90 tuổi), bệnh nền quá nặng...

Theo TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc theo dõi diễn biến số ca nặng, nhập viện là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ dịch hiện nay.

Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng nên bỏ thống kê ca bệnh, ông Khoa cho rằng nếu chúng ta không biết người ta nhiễm hay không, việc khả năng lây lan rộng càng dễ, càng nhiều.

Theo hướng dẫn kèm Quyết định 218 của Bộ Y tế vẫn có chỉ số về số ca mắc mới để địa phương theo dõi, quản lý. Việc quản lý chặt chẽ được F0 sẽ hạn chế lây nhiễm, ngoài ra còn để xác định, theo dõi, kiểm soát được các ca F0 nguy cơ cao bị chuyển nặng, tử vong.

Võ Thu

Nguồn: suckhoedoisong.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày