Em bé đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ mẹ bị ung thư tử cung

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một đứa trẻ ra đời từ một người mẹ bị ung thư cổ tử cung. Trước đó, người mẹ được phẫu thuật chọn lọc và tạo hình giữ lại tử cung.

Phép màu cho người bệnh ung thư cổ tử cung

Chị N.T.T.T., 39 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết hơn hai năm trước chị được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Khi đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã triển khai phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung mới là không cắt cổ tử cung tận gốc để những người phụ nữ trẻ, mong muốn sinh con vẫn có thể sinh con.

1 Em Be Dau Tien Tai Viet Nam Ra Doi Tu Me Bi Ung Thu Tu Cung

Hy hữu ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư tử cung.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ khi bệnh nhân vào viện khám, bệnh nhân 37 tuổi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn IA1 sau khi khoét chóp với diện cắt dương tính. Bệnh nhân được thực hiện cắt cổ tử cung tận gốc ngã bụng và nạo hạch chậu 2 bên vào tháng 2/2020. Tháng 8/2020 bệnh nhân mang thai.

Bệnh nhân khám và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Trong quá trình mang thai, bệnh nhân có 2 lần dọa sinh non, được đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. Để phòng ngừa sinh non, bệnh nhân được đặt vòng nâng tử cung với vòng Hodge 2.

Khi thai được 35 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu vỡ ối nên được sinh mổ chủ động sau khi trưởng thành phổi thai nhi. Bệnh nhân sinh bé trai, nặng 2100g vào ngày 4/4/2021. Hiện tại, bé 14 tháng tuổi và phát triển bình thường.

Theo bác sĩ Tiến, với loại phẫu thuật này và tỉ lệ sinh đẻ thành công sau phẫu thuật rất thấp khoảng 50% và rất ít được áp dụng tại một số nước trên thế giới.

Ai có thể áp dụng kỹ thuật này

BS Tiến cho biết ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Glocoban năm 2018, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp nhất với mỗi năm có khoảng 4.132 trường hợp mới mắc và 2.223 ca tử vong.

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và việc điều trị tiêu chuẩn đối với ung thư cổ tử cung hiện nay bao gồm phẫu thuật cắt tử cung, hóa – xạ trị triệt để đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là bệnh nhân sau khi khỏi bệnh sẽ không còn khả năng sinh con được nữa.

Trong quá trình khám và tư vấn cho người bệnh, bác sĩ Tiến cho biết rất nhiều bệnh nhân ung thư trẻ tuổi có mong muốn một lần được làm mẹ. Do đó, việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng.

2 Em Be Dau Tien Tai Viet Nam Ra Doi Tu Me Bi Ung Thu Tu Cung

Em bé được chào đời từ chính tử cung người mẹ từng mắc bệnh ung thư cổ tử cung

Những nghiên cứu quan sát được công bố trong một thập kỷ qua cho thấy dự hậu tốt về ung thư và sản khoa sau cắt cổ tử cung tận gốc. Phụ nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung có thể phù hợp cho việc điều trị bảo tồn chức năng sinh sản, như cắt cổ tử cung tận gốc, khi mà hầu hết được chẩn đoán ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống còn trên 90%.

Tuy nhiên hiện nay bác sĩ Tiến cho rằng việc chăm sóc thai kỳ ở bệnh nhân cắt cổ tử cung tận gốc là một thách thức lớn dành cho các nhà sản khoa, đòi hỏi phải có sự phối hợp của bác sĩ ung thư phụ khoa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ sơ sinh. Những nguy cơ có thể xảy ra là sảy thai ở tam cá nguyệt thứ hai, vỡ ối non, và sinh non.

Viêm âm đạo ngược dòng có thể gây ra viêm màng ối, phần lớn là do nhiễm trùng ngược dòng và vỡ ối non. Không có nút nhầy cổ tử cung bảo vệ là yếu tố góp phần gây ra tình trạng nhiễm trùng ngược dòng…

Đến nay có hơn chục phụ nữ trẻ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Tất cả bệnh nhân đều được chụp MRI bụng chậu nhằm xếp giai đoạn chính xác trước mổ.

Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân của để thực hiện kỹ thuật này:

Thứ nhất, giải phẫu bệnh là ung thư cổ tử cung và xếp giai đoạn trước mổ dựa vào lâm sàng và hình ảnh học là từ IA1-IB1 (Theo FIGO 2018)

Thứ hai, bệnh nhân có tuổi dưới 45.

Thứ ba, bệnh nhân có mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản.

Thứ tư, bệnh nhân không có bằng chứng bướu lan vào cổ trong cổ tử cung.

Thứ năm, bệnh nhân không có bằng chứng di căn hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng.

Thứ sáu, bệnh ung thư loại mô học: carcinôm tế bào gai hoặc cacrcinôm tuyến. Tất cả bệnh nhân đều được tư vấn kỹ lưỡng về phương pháp phẫu thuật và ký tên đồng ý phẫu thuật.

BS Tiến khuyến cáo những phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục nên đi khám tầm soát định kỳ nếu phát hiện ra ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể phẫu thuật vừa điều trị khỏi bệnh vừa được sinh con và cuộc sống trở lại bình thường.

Nguồn: Infonet


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày