Thông tin trên được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết trong thông cáo phát chiều 30/12.
Quyết định này nhằm "xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực".
Xét nghiệm nhanh Covid-19 ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Thường trực Ban chỉ đạo nhận thấy vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vừa qua đã "gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Vì vậy, Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, "khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật".
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào", thông cáo nêu rõ.
Thường trực Ban chỉ đạo cũng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo, được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, các đơn vị liên quan và khởi tố 7 bị can.
Trong đó có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng ba thuộc cấp và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương), Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất, Việt cùng các thuộc cấp đã "lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh".
Hơn nữa, kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng "chỉ định thầu rút gọn" nên Việt đã chủ động cung ứng trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố để sử dụng.
Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Việc này làm giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành vi này bị đánh giá là "nâng khống giá", vi phạm quy định về đấu thầu.
Ngoài ra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Việt đã thỏa thuận chi số tiền lớn cho lãnh đạo nhiều đơn vị mua hàng.
C03 cáo buộc thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng với CDC Hải Dương, Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.
Hoàng Thùy
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC