Hệ thống phòng không NASAMS khai hỏa. Ảnh Defense
Đầu tuần này Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thông báo về việc nước này đang mua hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine, theo 19 Forty Five.
Ông Sullivan xác nhận với các phóng viên rằng, việc mua bán vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng Mỹ đang rất nỗ lực để bảo đảm các hệ thống tên lửa đất đối không từ tầm trung đến tầm xa cho Ukraine.
NASAMS là gì?
NASAMS - là viết tắt của Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy. Tập đoàn Kongsberg đã hợp tác với tập đoàn Raytheon (nhà sản xuất tên lửa hàng đầu thế giới của Mỹ) để sản xuất NASAMS.
Hệ thống tên lửa phòng không này được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của mình.
Cấu hình NASAMS gồm có: xe mang phóng bán cơ động với 6 tên lửa/xe, xe radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/MPQ-64 Sentinel, xe mang cảm biến quang - hồng ngoại thụ động MSP-500, xe điều khiển bắn FDC và xe tiếp đạn.
AN/MPQ-64 là một radar 3D hoạt động ở băng tần X có phạm vi tìm kiếm mục tiêu 120 km. Radar cung cấp khả năng phát hiện các mối đe dọa trên không và dẫn bắn giúp tên lửa tiêu diệt mục tiêu với hiệu quả cao.
NASAMS có thể phát hiện, theo dõi và xác định máy bay địch, hệ thống máy bay không người lái và các mối đe dọa tên lửa hành trình với độ chính xác cao, hoạt động bất kể ngày đêm.
Trung tâm sức mạnh của NASAMS là tên lửa AIM-120. Đây là loại tên lửa được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ không đối không.
Được phát triển lần đầu vào những năm 1990, NASAMS hiện có 3 biến thể và tương thích với mọi phiên bản của tên lửa AIM-120, tầm bắn từ 55 đến 180 km. Đây là hệ thống phòng không có tầm bắn xa nhất do một quốc gia châu Âu sản xuất. Mỗi tiểu đoàn NASAMS gồm 12 xe mang bệ phóng với 72 quả tên lửa sẵn sàng khai hỏa trong 15 giây.
Tuy nhiên, chưa rõ Ukraine sẽ nhận được mô hình NASAMS nào. Nếu Ukraine nhận được NASAMS-3, nước này sẽ được cung cấp “Hệ thống phòng không tầm ngắn chất lượng cao”. Tuy nhiên, hệ thống có thể mở rộng phạm vi tấn công bằng cách sử dụng tên lửa AMRAAM-ER, giúp tăng tầm bắn của nó lên 40km.
Điều đặc biệt là mặc dù tự sản xuất nhiều hệ thống phòng không tối tân, song Mỹ vẫn nhập khẩu vài hệ thống NASAMS của Na Uy để bảo vệ các mục tiêu quan trọng quanh thủ đô Washington.
Zelensky xin thêm hệ thống phòng không tối tân
Tổng thống Zelensky đã liên tục kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cung cấp hệ thống phòng không hiện đại hơn cho Ukraine để giúp nước này ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa hàng ngày từ Nga.
Ông Zelensky đã lặp lại yêu cầu này với các nhà lãnh đạo G7 - những người tụ tập tại Đức để họp thượng đỉnh - đầu tuần này. Tổng thống Ukraine cũng nhân cơ hội này giới thiệu cho các nhà lãnh đạo G7 về cách chính phủ và quân đội của ông sử dụng hàng trăm tỷ USD viện trợ nước ngoài cho đến nay.
Theo ông Zelensky, bây giờ không phải là lúc để đàm phán với Nga, nhấn mạnh rằng trước tiên nước này phải ở vị thế mạnh hơn trên chiến trường để bắt đầu một vòng đàm phán mới.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC