ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines
Tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra sáng 28/6, nhiều nhà đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) quan tâm đến số lỗ lũy kế "khủng" của Vietnam Airlines và chuyện cổ phiếu HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Sẵn sàng bán máy bay
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết hiện tại số lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 1 tỷ USD, để khắc phục thì cần phải có khoảng thời gian khá dài.
Thực tế, năm 2021, việc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn còn dương 507 tỷ đồng là nhờ được Quốc hội thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, công ty thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021. Riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng. Qua đó, cổ phiếu HVN tiếp tục duy trì được sự hiện diện trên sàn HoSE.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ nguy cơ cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết bắt buộc, nên đã xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn sau đại dịch.
Tại phiên họp thường niên, cổ đông Vietnam Airlines đặc biệt quan tâm đến các phương án tháo gỡ khó khăn và dòng tiền duy trì hoạt động của doanh nghiệp (Ảnh: Văn Hưng).
Trong năm nay, các giải pháp sẽ hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất. Giải pháp cấp bách bao gồm thực hiện đồng bộ các phương án: cải thiện kết quả kinh doanh, cơ cấu tài sản như bán máy bay, bán và thuê lại máy bay cũ, thoái vốn một số công ty thành viên.
Tiếp đó, giai đoạn 2023-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng và phục hồi.
Còn tại đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, các giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines gồm 3 nhóm giải pháp lớn. Đầu tiên là nhanh chóng phục hồi, giảm lỗ tối đa, tiến tới có lãi. Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, bằng triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ (sale and leaseback - nghiệp vụ S&L); thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Thứ ba là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện năm 2023-2024.
Lãnh đạo doanh nghiệp lưu ý các giải pháp trên chỉ được triển khai sau khi đề án cơ cấu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cổ đông Nhà nước và đại hội đồng cổ đông cùng thông qua.
Dự kiến khởi sắc nhưng lại đặt mục tiêu... lỗ 9.335 tỷ đồng
Đối với nguồn tiền duy trì hoạt động doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hiền cho biết nhờ sự phục hồi nhanh của thị trường, dòng tiền của Vietnam Airlines phục hồi nhanh và mạnh.
"Dòng tiền bình quân ngày bằng 80% so với thời điểm trước dịch, bất chấp việc đường bay quốc tế mới phục hồi 20%. Điều này đảm bảo duy trì khả năng thanh toán và hoạt động liên tục của doanh nghiệp trong năm nay", ông Hiền nói và tiết lộ hãng cũng đã đạt được thỏa thuận giãn nợ với các chủ nợ sang những năm sau.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đánh giá sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
Tuy nhiên, "ông lớn" ngành hàng không này lại đặt mục tiêu lỗ ròng 9.335 tỷ đồng. Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền lý giải yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không rất nhiều, đặc biệt là giá nhiên liệu. Giá dầu đang ở ngưỡng gấp đôi năm 2021, và Vietnam Airlines ước tính nếu giá vẫn giữ nguyên từ giờ đến cuối năm, chi phí của doanh nghiệp bị độn thêm 4.300 tỷ đồng.
Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực khác, theo ông Hiền, đến từ tỷ giá và lãi suất. Do đó, đại diện Vietnam Airlines cho rằng số lỗ mục tiêu 9.335 tỷ đồng trong năm nay "đã là một cố gắng, khá khiêm tốn và tích cực".
CEO hãng hàng không này bổ sung, bên cạnh việc giá dầu tăng, còn có những tác động tiêu cực như xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát…
Ngoài ra, sự tăng trưởng chậm của thị trường hàng không châu Á, ví dụ Trung Quốc vẫn hướng đến zero-Covid hay Hàn Quốc và Nhật Bản mở cửa từ từ ngăn cản tốc độ phục hồi của hàng không trong nước...
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC