Chứng kiến, theo dõi vụ việc, tôi không hiểu vì sao một số người dân Bình Thuận vốn hiền lành chất phác lại trở nên hung hãn đến vậy!
Nhiều người trong đám đông càn quấy ấy, luôn miệng hò hét, lấy cớ phản đối dự Luật Đặc khu để có những hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, có người còn nói họ làm như vậy vì quan tâm đến sự phát triển của đất nước, tương lai của dân tộc; vì những bức xúc bị dồn nén lâu ngày...
Đó có phải là cách thể hiện lòng yêu nước, cách để giải tỏa bức xúc?
Lòng yêu nước là báu vật thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, của lớp lớp ông cha từng đổ biết bao xương máu, vun bồi khi phải đối mặt với kẻ thù ngoại bang, để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, sự tự do của dân tộc. Bởi thế, không thể xem những hành động đập phá, thiêu đốt tài sản công, dùng hung khí tấn công lực lượng chấp pháp – những người có trọng trách gìn giữ trật tự an ninh xã hội – là để thể hiện lòng yêu nước.
Đau hơn, những tài sản công mà số đông người quá khích, manh động đốt phá như xe cộ, trụ sở… có một phần tiền thuế của họ góp vào. Rõ ràng, chính những người tham gia gây rối tự hủy hoại cuộc sống của mình; tự rước lấy hệ lụy khi phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì, pháp bất vị thân!
Đến hôm nay, "bản chất" của những vụ gây rối, thậm chí có tính bạo động ở Bình Thuận, đã được các cơ quan chức năng từng bước làm rõ. Theo khai nhận ban đầu của nhiều thanh thiếu niên bị tạm giữ, những hành động quá khích của họ là có "kẻ giấu mặt" đã cho tiền để các em làm điều xằng bậy.
Nhiều người dân lương thiện cũng nói với chúng tôi rằng khi hiếu kỳ đi xem đám đông càn quấy, họ vô tình phát hiện những kẻ cầm đầu. Số này luôn đội mũ và đeo khẩu trang, sẵn sàng tấn công những người cầm điện thoại hay thiết bị quay phim, chụp ảnh vì nghi ngờ là "công an, nhà báo giả dạng trà trộn". Hầu hết những kẻ này luôn mạnh miệng hò hét, kích động người dân đập phá, tấn công lực lượng chức năng nhưng lại nhanh chân lẩn vào đám đông để bỏ chạy, khi công an cố gắng lập lại trật tự.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm thương đau vì sự đô hộ của ngoại bang nên chắc chắn mỗi người đều thừa biết giá trị của 4 chữ "tự do - hạnh phúc". Hãy nhìn sang một số nước vùng Tây Á, Trung Đông đang chìm đắm trong bạo lực, nội chiến để thấy rằng họ có thể khá giả hơn ta về kinh tế nhưng chắc chắn họ đang rất khát khao thứ mà ta đang có: hòa bình và tình thương dân tộc.
Thể hiện chứng kiến trước một vấn đề của xã hội là chuyện pháp luật không cấm; nhưng không được phép xâm phạm đến các quyền hợp pháp của người khác, không được phép xâm hại đến trật tự, trị an, kể cả an toàn giao thông.
Lòng yêu nước chân chính không song hành cùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho dân tộc, cho Quốc gia.
Ngược lại, lòng yêu nước đó sẽ bị kẻ xấu lợi dụng.
Lê Trường
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2024 | Thời báo ĐỨC