Cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh (áo trắng) tại phiên tòa sáng 14-7 - Ảnh: ĐÌNH HIẾU
Chiều 14-7, phiên tòa xét xử 2 cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh và nhiều cựu sĩ quan trong vụ án "buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" liên quan đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng tiếp tục phần tranh luận.
Đứng trước bục khai báo tự bào chữa, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) cho hay với cương vị tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, để xảy ra hành vi như bản luận tội của viện kiểm sát đã truy tố, bản thân ông vô cùng ân hận.
"Hôm nay, đứng trước tòa, tôi xin được xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân ủy trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, xin lỗi Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, xin lỗi gia đình, quê hương và mọi người", ông Thanh nói và nhấn mạnh là người tư lệnh, trước tiên ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề đã xảy ra.
Bị cáo Thanh cũng mong hội đồng xét xử căn cứ vào diễn biến của vụ án và quá trình công tác của bản thân và nhân thân, gia đình... để xem xét lại mức độ chịu trách nhiệm hình sự của ông một cách khách quan.
Cuối phần tự bào chữa, ông Thanh nói bản thân năm nay đã 62 tuổi, sức khỏe có nhiều bệnh nền, thường xuyên ốm đau, mong tòa xem xét cho mình được hưởng những tình tiết khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ án này, ngoài ông Thanh, vợ ông là Phan Thị Xuân cũng bị truy tố tội nhận hối lộ, với mức án đề nghị 24-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các luật sư của bà Xuân đề nghị hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ vì "bà Xuân chỉ là người nội trợ, thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh vì tình cảm vợ chồng".
Trong khi đó, bị cáo Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) thừa nhận quen "trùm" xăng lậu Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) từ lâu, "nhưng chưa bao giờ bàn nhau chia tiền như thế nào".
"Mỗi lần tôi vào TP.HCM, Hữu cho 150-200 triệu đồng, Hữu đưa bao nhiêu tôi biết bấy nhiêu, chưa bao giờ đặt vấn đề đòi hỏi gì. Tôi thừa nhận có nhận tiền của Hữu, nhưng số tiền mà tôi nhận thì Hữu hay tôi không thỏa thuận gì", bị cáo Minh nói.
Tự bào chữa, hầu hết các bị cáo còn lại đều nói đã nhận thức được hành vi sai trái của mình, rất ăn năn hối lỗi, mong tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Thông tấn quân sự
Trong phiên tòa sáng cùng ngày, Viện kiểm sát Bộ đội biên phòng đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 14 bị cáo trong vụ án này.
Theo đó, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) mức án 15-17 năm tù, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) bị đề nghị 15 năm tù, bị cáo Phạm Văn Trên (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) bị đề nghị 9-11 năm tù về tội nhận hối lộ.
Cùng tội danh trên, 8 bị cáo khác, chủ yếu là các cựu quân nhân thuộc lực lượng biên phòng và cảnh sát biển, bị đề nghị từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 17 năm tù.
Riêng ông Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị đề nghị phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và 1-2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt đề nghị là tù chung thân.
Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) bị đề nghị 7-9 năm tù về tội buôn lậu.
Ngoài ra, bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do, trú tại Bình Định) bị đề nghị 6-7 tháng tù về tội không tố giác tội phạm.
Viện kiểm sát cho rằng, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã trực tiếp và thông qua vợ, con, nhận của Hữu 6,9 tỉ đồng để bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng. Hành vi của bị cáo Minh đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.
Với cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, bản luận tội chỉ rõ vì động cơ vụ lợi đã giúp đỡ Hữu và để vợ nhận của Hữu 1,8 tỉ đồng, tạo điều kiện cho Hữu buôn lậu xăng. Hành vi của bị cáo Thanh đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ. Bị cáo Phan Thị Xuân (vợ ông Thanh) đã có 11 lần nhận tiền của Hữu, cấu thành tội nhận hối lộ với vai trò thực hành giúp sức.
Viện kiểm sát đánh giá vụ án có tính chất "đặc biệt nghiêm trọng", xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và hoạt động đúng đắn của hoạt động phòng chống buôn lậu, ảnh hưởng uy tín, danh dự quân đội.
"Các bị cáo đều đã tiếp tay, làm ngơ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm để nhóm buôn lậu vi phạm thời gian dài, số lượng lớn", bản luận tội nêu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC