COVID-19 ở Việt Nam đã đến giai đoạn coi là bệnh lưu hành hay chưa?

Với trên 4 triệu ca bệnh đã ghi nhận cho đến nay, số mắc mới tăng rất cao (ngày 5-3 trên 125.000 ca mới), 63/63 tỉnh thành ghi nhận ca mắc, đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa?

1 Covid 19 O Viet Nam Da Den Giai Doan Coi La Benh Luu Hanh Hay Chua

Bác sĩ Trần Thanh Linh thăm chị Bảo Châu - bệnh nhân COVID-19 nặng hiện đã hồi phục ngoạn mục - trong thời gian chị điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo giải thích của Bộ Y tế, "bệnh lưu hành" (tiếng Anh là endemic diseases) là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh.

Tiêu chí của bệnh lưu hành bao gồm: có sự tồn tại thường xuyên của tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở nhóm đối tượng hoặc quần thể; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định hoặc có thể dự báo được.

Bộ Y tế cho biết hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại có thể xuất hiện các biến thể không lường trước. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch phức tạp.

Trong nước, theo báo cáo mới nhất, dù số ca tử vong và chuyển nặng đã giảm, nhưng mỗi ngày vẫn ghi nhận trên dưới 100 ca tử vong, cao hơn số tử vong ở giai đoạn cao điểm bệnh dại, sốt xuất huyết, sởi, là những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số tử vong cao hàng đầu.

"Hiện nay các quốc gia và chuyên gia đang thảo luận và đề xuất coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Bộ Y tế đã thảo luận với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ, nhận định dịch bệnh tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành" - báo cáo của Bộ Y tế cho hay.

Bên cạnh đó, báo cáo này nhận định tỉ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, giữa các tỉnh thành có tỉ lệ mắc tăng cao trước đó và các tỉnh thành mới gia tăng số mắc. Số tử vong theo ngày vẫn ở mức cao.

Virus SARS-CoV-2 lại liên tục thay đổi, nhiều biến thể như Alpha, Delta, Omicron, gần đây lại xuất hiện các biến thể phụ của Omicron BA.1, BA.2, BA.3. Các biến thể này có những thay đổi như nguy cơ gây tái nhiễm, "né" được vắc xin, do đó quần thể nguy cơ nhiễm bệnh là chưa ổn định.

"Như vậy trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình biến đổi của virus nhằm đề xuất Thủ tướng Chính phủ coi COVID-19 là bệnh lưu hành ở thời điểm thích hợp" - báo cáo cho hay.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày