CDC Nghệ An: 2 gói không qua đấu thầu trị giá 18,5 tỉ đồng liên quan tới Công ty Việt Á

Theo lãnh đạo CDC Nghệ An, số vật tư, sinh phẩm mà CDC Nghệ An mua của Công ty CP Công nghệ Việt Á chia làm 4 gói thầu. Trong đó, ngoài 2 gói được đấu thầu rộng rãi, có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng.

Ngày 20-12, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), cho biết cũng như nhiều tỉnh thành khác, Nghệ An có mua vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á. 

1 Cdc Nghe An 2 Goi Khong Qua Dau Thau Tri Gia 185 Ti Dong Lien Quan Toi Cong Ty Viet A

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Cụ thể, số vật tư, sinh phẩm mà CDC Nghệ An mua của Công ty CP Công nghệ Việt Á chia làm 4 gói thầu. Trong đó, ngoài 2 gói được đấu thầu rộng rãi, có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng.

Theo ông Định, gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15-7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31-10, với tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng.

Theo ông Định, quá trình mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á cũng như các công ty khác đều đúng quy trình, đúng trình tự, thủ tục. Thời điểm đầu, CDC mua của công ty này với giá 470.000 đồng/bộ test PCR, thời điểm sau mua với giá 367.000 đồng.

Cũng theo CDC Nghệ An, từ đầu đợt dịch đến nay, CDC Nghệ An đã mua sinh phẩm, vật tư, hóa chất hết 60 tỉ đồng để phục vụ công tác chống dịch. Trong đó, mua các vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á khoảng 28 tỉ đồng, 32 tỉ đồng mua của các đơn vị khác.

Chiều ngày 20-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Minh Tuệ, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết việc CDC Nghệ An mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á được tiến hành đúng quy định.

Trước đó, trong bản tin ngày 18-12 của Bộ Công an cho biết liên quan đến vụ án nâng khống giá bán kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương, trong đó có Nghệ An. 

Một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết sở dĩ trong bản tin có nhắc tới tỉnh Nghệ An vì có một nhân viên của Công ty CP Công nghệ Việt Á bị bắt khi đang trú ngụ tại một khách sạn trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Hiện Sở Y tế Nghệ An chưa nhận thông tin nào từ Bộ Công an về việc điều tra liên quan đến việc nâng khống giá thiết bị ở Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án

Trước đó, ngày 10-12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương ( gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng, cơ quan công an xác định Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Hòng thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng.

Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.

Tin-ảnh: Đức Ngọc

Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày