Trong khi nhiều nước tìm cách giữ gìn, phục dựng yếu tố lịch sử, cổ kính để phát triển du lịch, thì chúng ta lại chạy đua đô thị hóa.
Sapa ngày tuyết
Kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe vào đầu năm 2014, Sapa bắt đầu chuyển mình nhanh chóng. Những dự án nghìn tỷ cũng theo đó mà hình thành. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng,... mọc lên san sát che khuất những hàng thông xanh và những thửa ruộng bậc thang vàng óng mỗi đợt ngày mùa.
Giá nhà đất tại những con phố trung tâm thị trấn tăng gấp đôi so với những năm trở lại đây, lên tới 100-200 triệu đồng mỗi m2.
Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau trên những quả đồi để phục vụ cho phát triển du lịch, thay thế cho những rặng thông và thửa ruộng bậc thang trước đây.
Một công trình đang thi công dang dở với hướng nhìn về phía dãy Hoàng Liên Sơn.
Người thợ đang làm việc trên giàn giáo cheo leo giữa đồi. Khi công trình này hoàn thành, nó sẽ chắn hướng nhìn ra núi của những công trình nằm phía sau nó do quá cao tầng.
Những con đường nằm giữa trung tâm thành phố đầy ổ gà do phương tiện quá tải thường xuyên qua lại. Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, số lượng ôtô đến thị trấn Sa Pa mỗi ngày khoảng 5.000 - 8.000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải đi qua trung tâm thị trấn gây ách tắc thường xuyên, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Trong khi đó, do khó khăn nguồn vốn, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai-Sa Pa triển khai chậm. Tuyến đường sắt khổ rộng 1.435 mm chưa được nghiên cứu cụ thể và dự án sân bay Lào Cai vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Chỉ cần một cơn gió nhẹ, bụi cuốn từ mặt đường lên mù mịt.
Những chiếc ô tô nối đuôi nhau chậm rãi trên một con phố ở thị trấn.
Từ ngày Sa Pa “thay da đổi thịt” cuộc sống của những người dân nơi đây cũng dần bận rộn với xi măng, gạch đá. Hai người phụ nữ Dao - Thào và Cư (quấn khăn đỏ) quyết định bỏ lại ruộng nương ở nhà để lên thị trấn với mong muốn một công việc có mức thu nhập khá khẩm hơn. Một ngày đi làm, mỗi người kiếm được 250.000 đồng. Khách sạn mọc lên ít nhiều mang đến công ăn việc làm và thu nhập đảm bảo cho những người dân vùng núi.
Những người phụ nữ dân tộc đi ngang qua một công trình lớn đang thi công trong thị trấn. Dường như đối với họ, sự xuất hiện nhan nhản của những chiếc máy cẩu, máy xúc đã trở nên quá đỗi bình thường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi chóng mặt như vậy. Người đàn ông Mông ngơ ngác nhìn những toà nhà đồ sộ đang được xây dựng qua khe hở của hàng rào tôn một công trình.
Một đoạn mương chứa đầy rác thải và phế liệu nằm ngay giữa lòng thị trấn.
Trẻ em chăn bò ngồi chơi ở phần còn lại của bãi cỏ, trước khi nó lại tiếp tục được chất đống bởi những núi đất thải và vật liệu.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 12.2017, nếu chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa: "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường, mà văn hóa của người địa phương, của các dân tộc anh em ở đây là rất quan trọng. Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện để tương xứng với thị xã".
Liệu Sapa có phát triển đúng với định hướng đó?
TUẤN MINH
Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau trên những quả đồi để phục vụ cho phát triển du lịch, thay thế cho những rặng thông và thửa ruộng bậc thang trước đây.
Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Du lịch ăn xổi ở Sa Pa, Đà Lạt".
Muốn trả lời cho câu hỏi "phát triển du lịch theo hướng nào?", chúng ta cần đi tìm lời giải cho câu chuyện "khách du lịch đến Sa Pa, Đà Lạt vì điều gì?". Tại sao các "thôn cổ trấn" tại Trung Quốc vẫn đều đặn có khách đông dần đều? Tại sao tới Italy, người ta luôn ghé thăm cái tháp nghiêng sắp sập? Tại sao tới Đan Mạch, du khách lại chọn đến các ngôi làng cổ đại để tham quan?
Cứ nhìn những quốc gia nổi tiếng về du lịch trên thế giới, chúng ta có thể thấy cách họ đang làm du lịch và định hướng thế nào? Tại sao người ta lại chọn tới những nơi như vậy cho cực khổ?
Người dân ở đó chắc sẽ nghèo lắm vì không được đầu tư hay xây dựng hiện đại, không có trung tâm thương mại để hút khách... Nhưng tại sao đó vẫn là những điểm đến lý tưởng, nằm trong top những lựa chọn hàng đầu suốt bao năm qua?
Vì sao phần lớn du khách tới Trung Quốc lại đi tới các cổ trấn trăm năm tuổi. Vì sao tới châu Âu, nhiều người lại tìm về các thành phố cổ lâu đời... Vì sao cách đây 10 năm ai cũng khen Đà Lạt, khiến nó nổi tiếng, còn bây giờ nhiều người lại chê "mất chất"?
Quay trở lại vấn đề của du lịch Việt Nam, tại sao bạn lại chọn lên Đà Lạt, Sa Pa du lịch? Cách đây 10 năm, nơi này vẫn nghèo, hoang sơ, nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo đến và say đắm vẻ đẹp thiên nhiên tại đây. Không giống các thành phố lớn hiện đại như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng..., Đà Lạt và Sa Pa luôn có những điểm nhấn riêng để khiến người ta phải lưu luyến. Thế nhưng, nhìn những thay đổi của hai vùng đất này hiện nay, tôi tự hỏi 10 hay 50 năm sau, liệu Đà Lạt hay Sa Pa có còn là lựa chọn của khách du lịch nữa không?
Với sức tàn phá thiên nhiên như hiện nay, có lẽ người ta sẽ chọn các điểm đến mới, còn hoang sơ hoặc thật hiện đại, tiện nghi để du lịch, chứ không phải tới một nơi nửa vời, tân không ra tân, cổ không ra cổ như vậy.
Đà Lạt giờ khí hậu bớt se lạnh. Thành phố mây mù, không biết tới nắng gắt là gì... giờ nhiều ngày mới 9h sáng thôi đã có nắng gắt rồi. Nhiều rừng thông, đồi thông bị để xây dựng biệt thự, khách sạn cao cấp. Một công trình nổi tiếng mang kiến trúc Pháp, hòa mình vào rừng thông, tạo nên khung cảnh cổ điển lãng mạn, giờ cũng bị đề xuất phá bỏ, nâng cao, đôn nền để bên dưới phát triển nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Có người còn cho rằng "bảo tồn quá khứ thì lấy gì để phát triển?"...
Tất cả tạo nên một mớ hỗn độn không còn chất riêng nữa.
Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, các nước châu Âu, thậm chí cả châu Phi, tất cả đều có các thành phố cổ kính, các thị trấn trăm năm, nghìn năm tuổi nhưng vẫn giữ lối kiến trúc đó, văn hóa đó... để tạo nên điểm nhấn khác biệt, hút khách du lịch đến tham quan tạo nguồn thu. Họ không chạy đua xây dựng những thành phố hiện đại để phục vụ cho công việc, phục vụ ngành công nghiệp.
Tất nhiên, không ai phản đối sự phát triển và hiện đại hóa nhưng phái có quy hoạch bài bản, không ai phản đối việc xây dựng khách sạn hoành tráng ở khu trung tâm. Người ta cải tạo, xây dựng mới chợ Đà Lạt một cách hoành tráng, đâu ai nói gì? Những công trình như vậy, người dân còn vui mừng là khác.
Nhưng quy hoạch phải làm sao cho đúng và hợp lý. Không phải cứ phá rừng để xây khách sạn, resort, các công trình bê tông một cách tràn lan.
Nếu đánh mất đi những nét riêng làm nên đặc trưng, biểu tượng của địa phương, tôi tin sẽ chẳng ai còn muốn đến. Đà Lạt không còn rừng thông, các dinh thự cổ mang kiến trúc Pháp thì còn gì để ghé thăm?
Phố cổ Hội An mà cứ lởm chởm vài căn nhà lầu, xe hơi trong đó thì ai thèm du lịch?
Đâu chỉ riêng Việt Nam, hãy nhìn ra thế giới mà xem, thành cổ Rome, tháp nghiêng Italy, làng cổ tại Hà Lan, Thụy Sỹ, trấn cổ ở Trung Quốc... đều được phục dựng nguyên bản để phát triển du lịch. Nhật Bản, Hàn Quốc... là những quốc gia phát triển, nhưng họ vẫn giữ gìn và bảo tồn những cung điện, di tích cổ để phát triển du lịch rất thành công. Đó mới chính là những hình mẫu mà chúng ta cần học hỏi để làm du lịch bền vững.
Quy hoạch về tầm nhìn du lịch đáng lý ra phải dài gấp cả trăm lần tầm nhìn về quy hoạch hạ tầng đô thị. Tiếc rằng, nhiều địa phương vẫn không nhận ra điều đó, để rồi vội vã đô thị hóa, bê tống hóa, thẳng tay phá nát quy hoạch, thiên nhiên, vô tình đánh mất luôn những giá trị cốt lõi của du lịch nước nhà.
Đỗ Anh Tuấn - Báo LAO ĐỘNG
© 2024 | Thời báo ĐỨC